Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 6/9
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 6/9/2022.
Ukraine kêu gọi người dân Crimea tìm nơi trú ẩn: Cố vấn Tổng thống Ukraine cảnh báo người dân sống ở “các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”, bao gồm cả Crimea, chuẩn bị nơi trú ẩn và tích trữ các đồ dùng cần thiết.
Trong một bài đăng trên Twitter ngày 5/9, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak kêu gọi “người dân các vũng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả bán đảo Crimea thực hiện theo khuyến cáo của các quan chức trong thời gian tiến hành các biện pháp giải phóng”.
Nga tuyên bố đánh chặn 34 tên lửa, bắn hạ trực thăng Mi-8 của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/9 tuyên bố lực lượng nước này đã phá hủy hơn 30 xe chiến đấu của Ukraine ở Nikolayev, bắn hạ trực thăng Mi-8 ở Kherson. Trong khi đó, quân đội Ukraine tuyên bố tiếp tục tấn công cầu Antonovsky dẫn vào khu vực Kherson.
Kherson (Ukraine) hoãn trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga vì lý do an ninh: Kirill Stremousov - Phó Trưởng chính quyền lâm thời thân Nga ở tỉnh Kherson (Ukraine), vừa tuyên bố kế hoạch trưng cầu dân ý tại địa phương này tạm hoãn do các lý do an ninh dù rằng nơi đây đã sẵn sàng cho việc đó.
Ông Stremousov nói với kênh truyền hình Nga Rossiya-1: "Chúng tôi đã chuẩn bị xong cho việc bỏ phiếu. Chúng tôi muốn tổ chức trưng cầu dân ý trong tương lai gần, nhưng do các diễn biến hiện nay, chúng tôi sẽ tạm dừng. Điều này dễ hiểu xét từ quan điểm thực tế. Chúng tôi đang phải tập trung vào nhiệm vụ chính - cung cấp lương thực cho người dân và bảo đảm an ninh cho họ".
Nga và Ukraine tuyên bố trái ngược về tình hình ở Kherson: Phía Nga khẳng định Kiev đã mất kiểm soát đối với toàn bộ tỉnh Kherson. Nhưng chính quyền Ukraine lại tuyên bố, quân đội của họ đạt được các bước tiến trong tái chiếm vùng lãnh thổ này.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho hay toàn bộ tỉnh Kherson hiện không còn nằm trong vòng kiểm soát của Kiev và "cuộc sống yên bình ở đây đang dần được khôi phục".
NATO chạy đua với thời gian để viện trợ cho Ukraine trước mùa đông: Tạp chí Der Spiegel của Đức ngày 5/9 cho biết, các nước thành viên NATO đang chạy đua với thời gian để cung cấp cho Ukraine đầy đủ quân tư trang trong mùa đông và dụng cụ cắm trại dã chiến.
Động thái này diễn ra sau khi Ukraine hối thúc NATO gấp rút cung cấp cho nước này trang thiết bị cần thiết trước khi thời tiết chuyển sang mùa đông.
Lý do Mỹ không còn “ngại” Nga để cung cấp vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine: Chính quyền Tổng thống Biden ngày càng trở nên ít dè dặt hơn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, The Hill đưa tin, đồng thời cho biết hiện Washington sẵn sàng cung cấp vũ khí hiện đại hơn cho Kiev mà không lo căng thẳng leo thang.
Trong những tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã do dự trong việc đáp ứng các nhu cầu của Ukraine, đặc biệt là việc cung cấp các vũ khí hạng nặng như xe tăng và máy bay chiến đấu. Theo The Hill, các quan chức Mỹ ban đầu cho rằng Ukraine sẽ không thể cầm cự được lâu trước các lực lượng của Nga để sử dụng tới những vũ khí như vậy. Washington cũng lo ngại việc cung cấp gói hỗ trợ quân sự quá lớn cho Ukraine có thể dẫn tới leo thang căng thẳng nghiêm trọng với Moscow.
Nga tiết lộ thời điểm châu Âu có thể từ bỏ khí đốt của Moscow: Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết, châu Âu khó có thể dựa vào bất kỳ nước nào về nguồn cung khí đốt ngoại trừ Mỹ, quốc gia đang mở rộng quy mô sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Bộ trưởng Năng lượng Nikolay Shulginov cho rằng châu Âu có khả năng sẽ không thể chấm dứt phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga trước năm 2027.
Tổng thống Pháp Macron: “Châu Âu sẽ phải trả giá để từ bỏ khí đốt của Nga”: Tổng thống Pháp cho rằng, mục tiêu trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung khí đốt và đẩy nhanh nhất có thể giai đoạn chuyển tiếp để có thể từ bỏ nguồn cung từ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 5/9 đã thống nhất ủng hộ cơ chế tương trợ châu Âu về năng lượng, thúc đẩy cải cách thị trường điện châu Âu, cũng như áp đặt áp trần giá khí đốt của Nga nhưng cũng thừa nhận châu Âu sẽ phải trả giá cho những quyết định này.
Nga nêu điều kiện để Dòng chảy phương Bắc 1 hoạt động trở lại: Những vấn đề kỹ thuật về việc vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ chưa thể giải quyết cho tới khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay ngày 5/9.
Ngày 31/8, tập đoàn năng lượng Gazprom đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt qua đường ống này. Mặc dù ban đầu Dòng chảy phương Bắc 1 được cho là sẽ nối lại hoạt động vào ngày 3/9 nhưng Gazprom thông báo đường ống trên sẽ đóng cửa vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật.
Ông Biden không đồng ý đưa Nga vào danh sách nước tài trợ khủng bố: Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/9 đã phản đối việc chỉ định Nga là quốc gia tài trợ khủng bố trong cuộc xung đột ở Ukraine sau khi Moscow cảnh báo “điểm không thể quay đầu” trong quan hệ hai nước.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Biden đã nói "không" khi được hỏi liệu nhà lãnh đạo Mỹ có cho rằng Nga nên được đưa vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố.
Lý do Ukraine muốn sớm chấm dứt xung đột với Nga: Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thừa nhận Nga có lợi thế về thời gian, do đó Kiev muốn chấm dứt cuộc xung đột hiện nay càng sớm càng tốt.
“Chúng tôi hiểu rằng thời gian đứng về phía Nga, vì thế chúng tôi cùng với các đồng minh và đối tác sẽ cố gắng hết sức để chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt”, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu với Bloomberg TV trong một cuộc phỏng vấn ở Brussels./.