Diễn biến tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 12/11
VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Nga tuyên bố hoàn thành rút quân khỏi thành phố Kherson.
Nga áp đặt trừng phạt đối với 200 công dân Mỹ: Ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Nga đã bổ sung thêm 200 công dân Mỹ vào danh sách trừng phạt, với hình thức cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên bang Nga vô thời hạn. Theo Bộ Ngoại giao Nga, để đáp trả các biện pháp trừng phạt cá nhân mà Chính quyền Mỹ liên tục áp đặt đối với các quan chức Nga, đại diện của giới kinh doanh, các nhân vật văn hóa và công dân Nga, 200 công dân Mỹ đã bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Danh sách trừng phạt bao gồm đại diện của chính quyền và các nhà lập pháp, cũng như những người thân cận của họ, người đứng đầu các công ty và xí nghiệp của các tổ hợp công nghiệp - quân sự, các chuyên gia và nhà vận động hành lang liên quan đến việc thúc đẩy chiến dịch “bài Nga” và ủng hộ chính quyền Ukraine. Đặc biệt trong danh sách trừng phạt lần này có cả Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ.
Phản ứng của Nga về việc Mỹ tước bỏ quy chế coi Nga là nền kinh tế thị trường: Ngày 11/11, trước việc Mỹ tước bỏ quy chế coi Nga là nền kinh tế thị trường, chính giới và các nhà phân tích Nga đã lên tiếng phản đối, coi động thái này của Mỹ là “mang động cơ chính trị”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quyết định của Mỹ tước bỏ quy chế kinh tế thị trường của Nga không góp phần ổn định thị trường kinh tế thế giới và “đây là sự tiếp tục của các hành động gây áp lực lên Liên bang Nga theo mọi hướng”.
Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng về việc rút quân khỏi Kherson: Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/11 cho biết, các lực lượng Nga đã hoàn thành việc tái triển khai quân đội đến tả ngạn sông Dnieper ở khu vực Kherson. Theo bộ này, cuộc điều động đã được hoàn tất vào sáng 11/11 (theo giờ địa phương).
Bộ Quốc phòng Nga cũng phủ nhận báo cáo cho rằng quân đội Nga đã bỏ lại các khí tài quân sự hoặc có nhiều binh sỹ Nga bị thương trong quá trình rút quân. “Các đơn vị của Nga đã thiết lập các cứ điểm và tuyến phòng thủ, không để xảy ra bất cứ tổn thất nào về vũ khí, nhân lực, phương tiện. Nga cũng hỗ trợ tất cả những người dân thường muốn rời khỏi hữu ngạn sông Dnieper ở vùng Kherson”.
Nga nã pháo vào thiết bị và binh lính Ukraine ở bờ Tây sông Dnieper: Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo việc bắt đầu pháo kích các khu vực trong thành phố Kherson ở bờ Tây sông Dnieper mà quân đội Nga vừa mới rút khỏi.
Hãng tin TASS của Nga đưa tin: "Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thông báo việc nã pháo vào trang thiết bị và binh sĩ quân đội Ukraine ở hữu ngạn (bờ Tây) sông Dnieper". Các lực lượng vũ trang Ukraine cũng xác nhận đã có loạt tấn công vào hữu ngạn sông Dnieper.
Cựu Phó Tư lệnh NATO cho rằng đàm phán với Nga "sẽ không đạt được điều gì cả": Tướng hưu trí Anh Richard Shirreff - cựu Phó Tư lệnh NATO, vừa kêu gọi các thành viên khối quân sự này từ chối mọi cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Putin nhằm chấm dứt khủng hoảng Ukraine.
Ông Shirreff nói trong một cuộc phỏng vấn với Times Radio tuần này: "Bất cứ dấu hiệu nào về đàm phán là điều mà ông Putin đang tìm kiếm. Đừng mắc sai lầm. Mục đích dài hạn của ông ấy là tiếp tục xung đột vũ trang, để tái thiết Đế chế Nga và xóa Ukraine khỏi bản đồ". Tướng Shirreff, về hưu vào năm 2014, lập luận rằng một cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự sẽ không đạt được điều gì cả.
Tổng thống Zelensky: Đặc nhiệm Ukraine đã có mặt tại Kherson: Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 12/11 cho biết, các đơn vị đặc nhiệm của nước này đã tiến vào thành phố Kherson - thủ phủ vùng Kherson nơi các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát ngay từ khi phát động chiến dịch quân sự.
Trong một phát biểu qua video, chỉ vài giờ sau khi Nga hoàn thành việc rút quân khỏi thành phố chiến lược này, Tổng thống Zelensky cho biết: “Hiện tại, lực lượng phòng thủ của chúng tôi đang tiếp cận thành phố. Một lúc nữa họ sẽ tiến vào, nhưng các đơn vị đặc nhiệm của chúng tôi đã có mặt trong thành phố”. Ông cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đã củng cố vị trí trên tiền tuyến và bắt đầu các biện pháp bảo vệ an toàn cho Kherson.
Nga và LHQ bắt đầu đàm phán về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen: Ngày 12/11, Nga và Liên Hợp Quốc bắt đầu đàm phán nhằm giải quyết những quan ngại của Nga liên quan đến thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận này dự kiến hết hạn vào ngày 19/11.
Phái đoàn của Liên Hợp Quốc và Nga nhóm họp ngày 11/11 tại Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận về việc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc này đạt được hồi tháng 7 đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, Alessandra Vellucci, “cuộc thảo luận này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga”. Tuy nhiên, bà Vellucci không đề cập đến việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen có nằm trong chương trình nghị sự hay không.
Nga công bố thủ phủ tạm thời của tỉnh Kherson là Genichesk: Sau khi quân đội Nga rút khỏi thành phố Kherson, Nga đã lấy Genichesk làm thủ phủ "tạm thời" cho tỉnh Kherson mà Nga mới sáp nhập gần đây.
Alexander Fomin, một quan chức địa phương, thông báo với các phóng viên hôm 12/11 rằng các cơ quan chủ chốt của chính quyền đã đặt trụ sở tại đây. Genichesk là một thành phố cảng nằm ở cực Đông của tỉnh Kherson. Thành phố nằm bên bờ Biển Azov, với nhiều khu nghỉ dưỡng.
Nga cấm nhập cảnh đối với các em ruột của Tổng thống Biden: Nga đưa James, Francis và Valerie là em ruột của Tổng thống Mỹ Biden, vào danh sách cấm nhập cảnh vào quốc gia Đông Âu này.
Moscow vừa công bố danh sách trừng phạt đối với 200 công dân Mỹ nữa, bao gồm các nhà lập pháp, quan chức, giám đốc công ty, nhà báo, và người thân của các chính trị gia nổi tiếng. Các cá nhân được nêu tên này bị cấm nhập cảnh Nga vì điều mà phía Nga gọi là "cổ xúy chiến dịch sợ Nga và ủng hộ chế độ Kiev". Ông Paul Pelosi, phu quân của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, cũng có tên trong danh sách trên.
Thụy Điển không cho phép đặt vũ khí hạt nhân của NATO trên lãnh thổ nước này: Hôm 11/11, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố với truyền thông địa phương rằng Thụy Điển sẽ không cho phép NATO đặt vũ khí hạt nhân của khối quân sự này trên lãnh thổ quốc gia Bắc Âu.
Phát biểu của Ngoại trưởng Tobias Billstrom đã làm rõ các bình luận do Bộ trưởng Quốc phòng nước này đưa ra trước đó. Ngoại trưởng Billstrom giải thích, quan điểm dài hạn của đảng Moderate cầm quyền là cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Thụy Điển./.