Diễn biến tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngày 27/9
VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Tổng thống Nga Putin xem xét nối lại đàm phán với Ukraine và Kiev tuyên bố giành quyền kiểm soát Donetsk là ưu tiên số một.
Ukraine tuyên bố sẵn sàng ứng phó nếu Nga triển khai nhiều binh sỹ hơn: Cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Mikhail Podolyak, ngày 26/9 cho biết, nước này sẽ không yêu cầu huy động thêm binh sỹ để phản ứng trước việc Nga ban bố sắc lệnh động viên một phần và cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga tại 4 khu vực ở Ukraine.
Phát biểu với chương trình truyền hình Tagesschau của Đức, ông Mikhail Podolyak nêu rõ: “Chúng tôi đã tạo ra các nguồn dự trữ thông qua hệ thống phòng thủ lãnh thổ và sẽ tích cực sử dụng các nguồn dự trữ này. Chúng tôi sẽ không ban bố lệnh huy động bổ sung vào hôm nay. Chúng tôi có mọi thứ và sẵn sàng ứng phó nếu Nga triển khai nhiều binh sỹ hơn”.
Nga đình chỉ thỏa thuận với Latvia về tránh đánh thuế hai lần: Ngày 26/9, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh về đình chỉ thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần với Latvia. Văn bản đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức.
Sắc lệnh tương ứng đã được Tổng thống Nga Putin ký, trong đó nêu rõ: "Đình chỉ thỏa thuận giữa chính phủ Liên bang Nga và chính phủ Cộng hòa Latvia về việc tránh đánh thuế hai lần và phòng chống trốn thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và vốn ngày 20 tháng 12 năm 2010". Tài liệu lưu ý rằng, việc đình chỉ được đưa ra "cho đến khi Cộng hòa Latvia loại bỏ các vi phạm nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hoặc cho đến khi chấm dứt".
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Putin đang xem xét nối lại đàm phán với Ukraine: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 26/9 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang xem xét nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine.
Theo ông Cavusoglu, Tổng thống Putin đã đưa ra ý tưởng này trong cuộc trò chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan. Ông Cavusoglu cho biết thêm: “Trong quá trình đối thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã thông báo về khả năng quay trở lại đàm phán với Kiev, nhưng với những điều kiện mới ".
Mỹ sẽ gia tăng trừng phạt kinh tế nếu Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine: Nhà Trắng ngày 26/9 tuyên bố, Mỹ sẽ “không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ do Nga chiếm giữ là bất cứ thứ gì khác ngoại trừ việc chúng là một phần lãnh thổ của Ukraine”.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh hai vùng ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở vùng Donbass, cùng khu vực do quân đội Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson và tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine đang tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các vùng tổ chức trưng cầu ý dân sẽ được Nga “bảo vệ hoàn toàn” nếu sáp nhập vào Nga.
Tổng thống Zelensky: Giành quyền kiểm soát Donetsk là ưu tiên số một: Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 26/9 tuyên bố, việc giành quyền kiểm soát khu vực chiến lược Donetsk là ưu tiên số một của ông vì Nga đã đặt ra ưu tiên hàng đầu là chiếm khu vực Donbass.
Trong bài phát biểu qua video, ông Zelensky nêu rõ: “Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Donetsk. Chúng tôi đang làm mọi thứ để ngăn chặn hoạt động của đối phương. Đây là ưu tiên số một của chúng tôi vì chiếm Donbass là mục tiêu hàng đầu của Nga”. Hiện Nga đang nắm quyền kiểm soát một phần khu vực Donetsk.
Mỹ triển khai hệ thống HIMARS tới quốc gia Baltic sát Nga: Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi tuyên bố sẽ điều 2 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) tới Latvia tham gia cuộc tập trận quân sự do NATO dẫn đầu.
Hệ thống M142 HIMARS được đưa tới Latvia - quốc gia Baltic trong ngày 26/9 để tham gia cuôc tập trận NAMEJS dự kiến diễn ra từ 5/9-9/10. Các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất sẽ được sử dụng vào ngày 26 và 27/9 nhằm thể hiện việc triển khai nhanh chóng các vụ phóng chính xác tầm xa tới biên giới phía đông của NATO.
Đức nghi ngờ sự cố của Dòng chảy phương Bắc 2 là "cuộc tấn công có chủ đích": Đức nghi ngờ vụ rò rỉ khí đốt khiến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 bị giảm áp suất có thể không phải là tình huống ngẫu nhiên.
Tờ Tagesspiegel của Đức tối 26/9 (giờ địa phương) đưa tin, trong khi việc giảm áp suất trong 3 đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Nga và Đức đang được điều tra, Berlin cho rằng sự việc này không phải là một sự trùng hợp và nghi ngờ có một “cuộc tấn công có chủ đích”.
Các nước EU không thể thống nhất về lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga: Theo Bloomberg, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vẫn đang chia rẽ về biện pháp áp trần giá dầu Nga.
Trong một bài báo đăng tải ngày 26/9, Bloomberg cho rằng các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đạt thỏa thuận về việc áp trần giá dầu Nga cũng như thông qua gói trừng phạt rộng lớn hơn đối với Moscow.
Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, Cộng hòa Síp và Hungary là những nước phản đối đề xuất áp trần giá dầu mỏ. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của EU đòi hỏi phải có sự thống nhất tuyệt đối trong khối, mỗi nước đều có quyền phủ quyết.
Nga có thể tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở các vùng lãnh thổ mới: Lãnh đạo Crimea, ông Sergey Aksyonov cho rằng, Nga có thể tiến hành chiến dịch chống khủng bố trong trường hợp các vùng Zaporizhzhia và Kherson sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
“Điểm chắc chắn không thể quay đầu sẽ sớm trôi qua. Việc có quy chế mới cho các vùng lãnh thổ được giải phóng sẽ đặt dấu chấm hết cho sự bất ổn. Các vùng đó sẽ trở thành các vùng lãnh thổ chính thức của Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ không chỉ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt mà còn cả chiến dịch chống khủng bố trên các vùng lãnh thổ của chúng tôi”, ông Aksyonov cho biết trên kênh Telegram ngày 26/9.
Bloomberg: Khó có khả năng phương Tây tăng cường gửi vũ khí đến Ukraine: Theo Bloomberg, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và EU sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine để đáp trả động thái tuyên bố lệnh huy động một phần của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước.
Các quan chức ở Ukraine nói rằng đất nước của họ cần nhiều hệ thống phóng tên lửa và xe tăng để chống lại “sự leo thang” của Nga, ám chỉ việc Moscow huy động khoảng 300.000 quân dự bị để tăng cường lực lượng cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga có thể tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine trong tuần này: Bộ Quốc phòng Anh dự đoán Nga có thể sẽ tuyên bố sáp nhập các vùng của Ukraine vào lãnh thổ Liên bang Nga ngay trong tuần này.
“Nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ sử dụng bài phát biểu của ông để chính thức thông báo việc sáp nhập các vùng lãnh thổ tại Ukraine vào Liên bang Nga. Các cuộc trưng cầu dân ý đang được tiến hành tại các vùng lãnh thổ này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 27/9”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo tình báo cập nhật hôm 26/9.
Ông Medvedev nhắc lại chính sách răn đe hạt nhân của Nga: Trước dư luận trong những ngày gần đây về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như sự đe dọa đáp trả của Mỹ và NATO, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã một lần nữa khẳng định về chính sách răn đe hạt nhân của nước này.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev nhấn mạnh, Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân ở các nước láng giềng thù địch, chẳng hạn như ở Ukraine, nơi mà theo ông hiện do các nước NATO trực tiếp kiểm soát. Nếu mối đe dọa Nga vượt quá giới hạn nguy hiểm đã thiết lập, nước này sẽ phải đáp trả.