Diễn biến tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 29/10
VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Nga tuyên bố hoàn thành sắc lệnh động viên một phần và Mỹ tiếp tục cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD cho Ukraine
Nga cáo buộc nhân viên Hải quân Anh phá hoại hệ thống đường ống Nord Stream: Ngày 29/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, các nhân viên hải quân Anh đã làm nổ tung đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vào tháng trước.
Đây là cáo buộc trực tiếp 1 thành viên hàng đầu của NATO phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố của mình. Bộ Quốc phòng Anh hiện chưa có bình luận.
Nga hoàn thành chiến dịch sơ tán dân thường khỏi Kherson: Các lực lượng Nga cho biết, chiến dịch sơ tán toàn bộ dân thường khỏi thành phố Kherson đã hoàn tất.
Quân đội Ukraine hiện đang tiến sát thành phố Kherson sau khi đạt được những bước tiến lớn lớn ở phía Đông và Nam, theo AFP.
Thành phố Kherson có dân số khoảng 288.000 người trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Nga kiểm soát được Kherson ngay từ những ngày đầu của chiến dịch. Kherson cùng Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk đã tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga hồi cuối tháng 9 và hoàn tất các thủ tục vào đầu tháng 10.
Hạm đội Biển Đen của Nga đẩy lùi cuộc tấn công bằng UAV ở Vịnh Sevastopol: Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev ngày 29/10 cho biết, Hạm đội Biển Đen của Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào thành phố Sevastopol, phía Tây Nam bán đảo Crimea.
“Các tàu của Hạm đội Biển Đen đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Vịnh Sevastopol. Không vị trí nào trong thành phố bị đánh trúng. Tình hình đang trong tầm kiểm soát, tất cả lực lượng đều ở trạng thái sẵn sàng”, ông Razvozhayev cho biết trên Telegram, đồng thời kêu gọi mọi người bình tĩnh.
Đại sứ Nga kêu gọi Mỹ rút vũ khí hạt nhân ở nước ngoài về nước: Đại sứ Anatoly Antonov nhấn mạnh, trong thời điểm căng thẳng và rủi ro gia tăng như hiện nay, các quốc gia hạt nhân có trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn leo thang.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã kêu gọi Washington rút vũ khí hạt nhân mà nước này triển khai ở nước ngoài về lãnh thổ Mỹ.
“Trong thời điểm căng thẳng và rủi ro gia tăng như hiện nay, các quốc gia hạt nhân có trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn leo thang. Tôi một lần nữa kêu gọi Washington rút tất cả vũ khí hạt nhân triển khai ở nước ngoài trở về lãnh thổ quốc gia Mỹ, loại bỏ cơ sở hạ tầng lưu trữ và bảo trì ở nước ngoài, chấm dứt thực hành mô phỏng sử dụng những vũ khí hạt nhân có sự tham gia của quân đội từ các quốc gia phi hạt nhân trong 'các sứ mệnh hạt nhân chung' của NATO - vốn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Đại sứ Nga tại Mỹ Antonov nhấn mạnh.
Tổng thống Steinmeier: Xung đột ở Ukraine khiến Đức và Nga đối đầu nhau: Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một bước ngoặt, khiến mối quan hệ giữa Đức và Nga rạn nứt.
Trong một phát biểu ngày 28/10, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận rằng, nhiều người Đức “cảm thấy kết nối với nước Nga và người Nga, yêu âm nhạc và văn học Nga. Nhưng thực tế mới cho thấy không còn chỗ cho những giấc mơ cũ”.
“Giấc mơ cũ” mà ông Steinmeier đề cập đến là ý tưởng của cố lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev về một “ngôi nhà chung ở châu Âu”.
Nga tuyên bố hoàn thành sắc lệnh động viên một phần: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 28/10 cho biết, nước này đã hoàn thành sắc lệnh động viên một phần với việc huy động 300.000 quân nhân dự bị theo kế hoạch.
Sắc lệnh này được công bố vào tháng 9 trong bối cảnh Nga đang tiến hành các hoạt động quân sự tại Ukraine.
Mỹ tiếp tục cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD cho Ukraine: Mỹ tiếp tục cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD cho Ukraine. Đây là gói viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự thứ 24 của Mỹ dành cho Ukraine kể từ tháng 8/2021.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, gói viện trợ này bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Mỹ. Với gói viện trợ này, tổng viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền đã lên tới 18,5 tỷ USD./.