Diễn đàn Hòa bình Paris: Đoàn kết chống Covid-19, đưa vaccine thành hàng hóa phổ biến
VOV.VN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Hòa bình Paris đã cùng nhau kêu gọi đoàn kết chống đại dịch, trong đó ưu tiên đưa vaccine trở thành một hàng hóa phổ biến.
Diễn đàn Hòa bình Paris, theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, hôm qua (12/11) bước sang ngày làm việc thứ 2. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và những tín hiệu tích cực về tiến trình phát triển vaccine được công bố những ngày qua, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau kêu gọi đoàn kết chống đại dịch, trong đó ưu tiên đưa vaccine trở thành một hàng hóa phổ biến.
Dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, Diễn đàn Hòa bình Paris, với sự tham gia của khoảng 50 nhà lãnh đạo các quốc gia và khu vực, và hàng chục Tổ chức phi chính phủ tiếp tục thảo luận các giải pháp mang tính toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một giải pháp mang tính tổng thể, sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế và nỗ lực phát triển vaccine được xem là chìa khóa trong cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chấm dứt Covid-19 là một thách thức đối với nhân loại cả về khoa học và tài chính và nó cũng là bài kiểm tra về nghị lực. Giờ là thời khắc để thế giới nói không với tư lợi và nói có với đoàn kết”.
Trong tuần qua, thế giới tiếp tục ghi nhận sự gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 tại nhiều nước và khu vực trên thế giới. Mỹ và châu Âu vẫn là những cái tên đứng đầu trong danh sách các nước và khu vực có số ca lây nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 cao trên thế giới. Bên cạnh những tin xấu, thế giới cũng đón nhận những tin tức tốt lành về tiến trình phát triển vaccine. Đáng chú ý là việc liên minh giữa các hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech của Mỹ và Đức thông báo vaccine phòng Covid-19 do hai công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người. Nếu mọi việc diễn ra tích cực, đến cuối năm nay, Pfizer và BioNTech sẽ có đủ số liều vaccine để tiêm cho từ 15-20 triệu người. Thông tin tích cực này đã nhanh chóng mang lại hy vọng cho thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để có thể đưa vaccine tiếp cận với mọi người và biến vaccine trở thành một hàng hóa mang tính phổ thông. Về vấn đề này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đề xuất: “Mọi quốc gia và khu vực đều đang nỗ lực để bảo vệ người dân của mình khỏi tác động của cuộc khủng hoảng y tế và khởi động lại nền kinh tế. Tuy nhiên chúng ta cũng cần tiếp tục trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải làm sao để đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã và đang tham gia Đề xướng mang tính toàn cầu về phát triển vaccine ngừa Covid-19 mang tên Covax".
Đồng quan điểm, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không thể chiến thắng virus nếu để lại một cộng đồng người ở phía sau. Bất bình đẳng xảy ra sẽ ngăn cản sự phát triển chung. Làm thế nào để đảm bảo vaccine ngừa Covid-19 trở thành một hàng hóa phổ biến toàn cầu? Làm thế nảo để đảm bảo tiếp tục cuộc chiến chung bảo vệ hệ thống y tế cơ bản? Chúng ta sẽ không thể phân phố vaccine và phương pháp điều trị nếu không có một hệ thống y tế cơ bản vững mạnh”.
Ngoài tình hình dịch Covid-19, Diễn đàn năm nay cũng tập trung vào các vấn đề như phát triển xanh của các thành phố, tăng cường đầu tư để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, tương lai của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, việc xây dựng các cơ chế quản trị toàn cầu để đối phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, Diễn đàn Hòa bình năm nay cũng đề cập đến một số chủ đề lớn về an ninh như chủ nghĩa khủng bố cũng như môi trường hòa bình tại châu Âu./.