Đối phó với rác thải nhựa: Chủ đề nóng ở Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 34
VOV.VN - Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa, tổ chức "Hòa bình Xanh" kêu gọi các nước Đông Nam Á cấm nhập rác thải từ các nước phát triển.
Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 – 23/6/2019 tại Bangkok, Thái Lan.
Đối phó với rác thải nhựa là chủ đề nóng ở Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 34 tại Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Khu vực Đông Nam Á thời gian qua chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa và rác thải điện tử từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc – nhà tái chế rác thải hàng đầu thế giới ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa hồi năm ngoái, khiến hàng triệu tấn rác thải nhựa và điện tử nhanh chóng được chuyển hướng tới các quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 6 năm 2019 tại Bangkok, Thái Lan được xem là cơ hội để các quốc gia khu vực Đông Nam Á bàn thảo các vấn đề nóng của khu vực trong đó có vấn đề rác thải nhựa. Phát biểu trước báo giới, Giám đốc tổ chức “Hòa bình Xanh”, Thái Lan Ta-ra Bu-a-kam-xri nói:
“Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp diễn ra tại Thái Lan. Chúng tôi kêu gọi ASEAN cần đẩy mạnh các cuộc thảo luận về quản lý rác thải nhựa - vấn đề lớn mà khu vực đang phải đối mặt.”
Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm, con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có tới 8 triệu tấn trôi ra các đại dương. Rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường sinh sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển. Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5 mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây độc hại cho sức khỏe con người nếu ăn phải.
Nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa, Philippines và Malaysia mới đây đã tiên phong chuyển lại số rác thải nhựa này quay trở lại nơi xuất xứ. Hồi cuối tháng 5 vừa qua,, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị các quan chức chính phủ nước này thuê một công ty vận tải tư nhân để chuyển 69 container rác thải trở lại Canada. Chỉ ít ngày sau đó, Bộ trưởng Năng lượng, công nghệ, khoa học, biến đổi khí hậu và môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cũng tuyên bố gửi trả 3.000 tấn rác thải nhựa về những nước xuất xứ của số rác thải này.
Theo các nhà hoạt động môi trường, việc nhanh chóng ban hành các quy định cấm nhập khẩu tất cả các loại rác thải nhựa trong khu vực là cần thiết lúc này. Đại diện tổ chức Hòa bình Xanh Malaysia Heng Kiah Chun nhấn mạnh:
“Chúng tôi khuyến cáo các quốc gia ASEAN ngay lập tức cấm tất cả hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa, đặc các quốc gia Đông Nam Á cần phê chuẩn Công ước Basel sửa đổi. Thứ 2, chính phủ các nước này cũng cần xây dựng một chính sách tổng thể của khu vực nhằm giảm sản xuất loại nhựa dùng 1 lần.”
Đầu tháng 5/2018, Liên Hợp Quốc cho biết, gần như tất cả các nước trên thế giới đã nhất trí một khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm ngăn chặn rác thải nhựa, vốn đã trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường biển. Theo Công ước Basel sửa đổi, được 180 chính phủ thông qua, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý, và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, Ban thư ký Công ước cho biết sửa đổi trên sẽ khiến cho hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, trong khi đảm bảo rằng việc xử lý chúng sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường./.
Indonesia nỗ lực giảm 70% rác thải nhựa tới năm 2025