Động thái của Bình Nhưỡng gây căng thẳng cao độ trên Bán đảo Triều Tiên
VOV.VN - Triều Tiên hôm qua (15/1) quyết định đóng cửa các cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều, đồng thời thông báo ý định sửa đổi Hiến pháp nhằm xác định lại mối quan hệ với Hàn Quốc.
Động thái đưa ra trong bối cảnh căng thẳng cao độ trên Bán đảo Triều Tiên đang làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn.
Quyết định đưa ra tại kỳ họp thứ 10 diễn ra hôm qua của Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội Triều Tiên) khóa 14. Tuyên bố của Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên nhấn mạnh, hai miền Triều Tiên đang rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt và sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu Triều Tiên coi Hàn Quốc là đối tác ngoại giao.
Triều Tiên sẽ bãi bỏ hoạt động của hàng loạt cơ quan phụ trách đối thoại và hợp tác với Hàn Quốc, trong đó có Ủy ban Tái Thống nhất Hòa bình và Cục Hợp tác Kinh tế Quốc gia.
Cũng tại cuộc họp, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và Hàn Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, yêu cầu Hội đồng nhân dân tối cao viết lại Hiến pháp trong kỳ họp tiếp theo để xác định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch số 1” của Triều Tiên.
Từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thoả thuận đình chiến, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều duy trì chính sách xử lý quan hệ liên Triều dựa vào các cơ quan và bộ đặc biệt, chứ không phải qua thông qua Bộ Ngoại giao. Hai nước cũng thực hiện các chính sách hướng tới thống nhất hòa bình trong tương lai, với viễn cảnh về một quốc gia với hai hệ thống.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại cuộc họp đảng cuối năm 2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận khi tuyên bố việc thống nhất hòa bình là không thể thực hiện:
“Chúng ta cần thiết lập một lập trường mới về quan hệ liên Triều và chính sách thống nhất. Bây giờ chúng ta cần thừa nhận thực tế và làm rõ mối quan hệ với Hàn Quốc”.
Bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên kể từ năm 2022 với liên tiếp các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Đầu năm 2023, Triều Tiên đã lần đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Hiến pháp nhằm phản ứng trước sự hợp tác hạt nhân ngày càng sâu sắc giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cũng nhất trí tăng cường hợp tác về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Đánh giá về tương lai quan hệ liên Triều, nhà phân tích Yang Moo-jin tại Hàn Quốc cho rằng: “Thực tế là Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tiếp quản và hợp nhất tất cả các tổ chức liên quan đến Hàn Quốc bao gồm cả Uỷ ban tái thống nhất hoà bình. Triều Tiên dường như đang xem quan hệ liên Triều như một khái niệm phụ của quan hệ Mỹ - Triều. Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang hơn bao giờ hết”.
Trong bối cảnh, căng thẳng dự báo sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong năm bầu cử quan trọng ở Mỹ và Hàn Quốc, đã có nhiều lời kêu gọi khôi phục khuôn khổ đàm phán 6 bên bị đình trệ từ năm 2008, với sự tham gia của cả Hàn Quốc và Triều Tiên, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Cơ chế đối thoại này ban đầu được thiết lập nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khôi phục quan hệ liên Triều và hướng tới bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản, đồng thời thiết lập một hệ thống hòa bình và an ninh ở Đông Bắc Á.
Dù khó có thể đạt được hết các mục tiêu vào thời điểm hiện nay, song cơ chế này ít nhất cũng sẽ giúp ngăn chặn các cuộc đụng độ và leo thang ngoài ý muốn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm khôi phục niềm tin giữa các bên.