Dư luận Thái Lan phản đối đề xuất cải cách của Ủy ban bầu cử
VOV.VN - Một số học giả nổi tiếng của Thái Lan cũng coi đề xuất này là vi phạm nhân quyền và nguyên tắc dân chủ.
Ngày 9/7 Dư luận Thái Lan có nhiều ý kiến phản đối một số đề xuất của Ủy ban bầu cử Thái Lan liên quan đến việc xuất cải cách chế độ bầu cử vừa được Ủy ban bầu cử Thái Lan gửi lên Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia xem xét.
Đó là, đề xuất Hạ Nghị sỹ không được giữ chức vụ này quá 2 nhiệm kỳ; bầu cử Hạ viện chuyển từ thể thức "mỗi khu vực bầu cử nhỏ bầu chọn một Hạ Nghị sỹ duy nhất" sang thể thức "mỗi khu vực bầu cử lớn bầu chọn 3 Hạ Nghị sỹ"; Ủy ban bầu cử có quyền thay đổi ngày bầu cử mà không cần có ý kiến của Chính phủ tạm quyền; đồng thời việc thành lập các chính đảng sẽ gặp khó khăn hơn so với trước.
Theo ý kiến của một số thành viên ban lãnh đạo Đảng Vì nước Thái và Đảng Dân chủ, việc Ủy ban bầu cử Thái Lan đề xuất Hạ Nghị sỹ không được giữ chức vụ này quá 2 nhiệm kỳ là bất hợp lý và phi dân chủ; vì Hạ viện là cơ quan lập pháp cần có những Hạ Nghị sỹ có năng lực và nhiều kinh nghiệm.
Nhiều nước dân chủ trên thế giới chỉ quy định hạn chế nhiệm kỳ của Tổng thống hoặc Thủ tướng. Trong khi đó, một số học giả nổi tiếng của Thái Lan cũng coi đề xuất này là vi phạm nhân quyền và nguyên tắc dân chủ, vì các Hạ Nghị sỹ là đại diện của nhân dân, được người dân tín nhiệm bầu ra.
Dư luận chính giới và học giả Thái Lan cũng cho rằng, đề xuất bầu cử Hạ viện chuyển từ thể thức "mỗi khu vực bầu cử nhỏ bầu chọn một Hạ Nghị sỹ duy nhất" sang thể thức "mỗi khu vực bầu cử lớn bầu chọn 3 Hạ Nghị sỹ", sẽ chỉ có lợi cho một số chính đảng lớn.
Thể thức khu vực bầu cử lớn đã được quy định trong Hiến pháp 2007; song Quốc hội Thái Lan sau đó đã phải sửa đổi thành thể thức khu vực bầu cử nhỏ, do có nhiều bất cập khi áp dụng trong thực tế.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật Thái Lan cũng bác bỏ đề xuất về việc Ủy ban bầu cử có quyền thay đổi ngày bầu cử mà không cần có ý kiến của Chính phủ tạm quyền, cũng như quy định hạn chế việc thành lập các chính đảng. Họ cho rằng những điều này sẽ khiến Ủy ban bầu cử Thái Lan có quyền hạn vượt quá chức năng tổ chức bầu cử của Ủy ban này. Đồng thời sẽ làm suy yếu hệ thống các chính đảng và vi phạm chế độ dân chủ.
Bên cạnh đó, đa số dư luận Thái Lan ủng hộ việc nên thành lập Tòa án bầu cử để xem xét, xử lý các vụ khiếu kiện những trường hợp vi phạm Luật bầu cử. Điều đó sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn so với quy định hiện hành.
Dư luận Thái Lan đề nghị Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cần phải cho các nhà chính trị của các chính đảng được tham gia đóng góp ý kiến về cải cách chế độ bầu cử; vì họ mới chính là "người trong cuộc" và hiểu rõ những vấn đề cần cải cách và có tính khả thi./.