Dư luận Thái Lan về Hội đồng lập pháp và Chính phủ lâm thời
VOV.VN - Chính giới Thái Lan ủng hộ Tướng Prayuth đảm nhận chức vụ Thủ tướng lâm thời, vì ông được coi là người phù hợp nhất hiện nay.
Ngày 5/8, báo chí Thái Lan có nhiều tin bài phản ánh dư luận chính giới và xã hội Thái Lan về việc Hội đồng lập pháp quốc gia chuẩn bị khai mạc kỳ họp đầu tiên vào ngày 7/8 tới; trong đó có cả những kỳ vọng xen lẫn không ít lo ngại.
Hội đồng lập pháp quốc gia là cơ chế có vai trò, chức năng như một Quốc hội lâm thời trong bối cảnh chính trị đặc biệt của Thái Lan hiện nay.
Theo lịch trình, Hội đồng lập pháp quốc gia sẽ tiến hành bầu chọn Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch vào ngày 8/8; dự kiến Hội đồng lập pháp quốc gia cũng sẽ tiến hành bầu chọn Thủ tướng lâm thời vào khoảng giữa tháng 8.
Đa số dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cho rằng, với hơn 50% số thành viên của Hội đồng lập pháp quốc gia là các tướng lĩnh quân đội tại chức và nghỉ hưu, Hội đồng này sẽ có sự nhất trí cao trong việc thông qua các cơ chế, đạo luật cần thiết cho việc điều hành, cải cách và phát triển đất nước của Thái Lan trong thời gian khoảng 1 năm tới.
Tuy nhiên, dư luận Thái Lan không khỏi lo ngại việc đa số các thành viên Hội đồng lập pháp quốc gia còn ít kinh nghiệm chính trị; một số thành viên có quan điểm "bảo thủ"; đồng thời Hội đồng này còn chịu sự chi phối của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia.
Điều đó sẽ khiến hoạt động của Hội đồng lập pháp quốc gia có thể không đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân, nhất là trong việc đảm bảo các nguyên tắc của chế độ dân chủ.
Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cũng nhận định, việc Hội đồng lập pháp quốc gia bầu chọn Thủ tướng và Chính phủ lâm thời cũng sẽ diễn ra suôn sẻ, vì cơ chế Chính phủ lâm thời đã nằm trong kế hoạch của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia.
Dư luận Thái Lan vẫn cho rằng, nhiều khả năng Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sẽ kiêm nhiệm chức Thủ tướng lâm thời.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất và ý kiến của chính giới Thái Lan cho thấy, đa số ủng hộ tướng Prayuth đảm nhận chức vụ Thủ tướng lâm thời, vì ông được coi là người phù hợp nhất hiện nay.
Các tướng lĩnh chủ chốt và các thành viên Ban cố vấn của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng sẽ nắm giữ các chức vụ Phó Thủ tướng và Bộ trưởng một số Bộ quan trọng trong Chính phủ lâm thời. Chính phủ lâm thời sẽ tổ chức quản lý điều hành đất nước theo sự chỉ đạo và các chủ trương, chính sách của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia.
Tuy nhiên, một số nhà chính trị, học giả Thái Lan cảnh báo rằng, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và các cơ chế mới như Hội đồng lập pháp quốc gia, Chính phủ lâm thời, Hội đồng cải cách quốc gia, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cần phải chú trọng giải quyết thỏa đáng những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội của Thái Lan trên cơ sở đạt hiệu quả thực chất, đảm bảo công bằng về xã hội và pháp luật.
Đặc biệt, các cơ chế này phải xây dựng được Hiến pháp mới làm nền tảng pháp lý cho một chế độ dân chủ thực sự, được sự chấp nhận của đa số nhân dân Thái Lan.
Nếu các hoạt động và "sản phẩm" của những cơ chế nêu trên mang tính áp đặt, chỉ nhằm phục vụ cho một số nhóm quyền lực, thì mâu thuẫn chính trị - xã hội ở Thái Lan sẽ bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, kéo dài./.