Dự thảo nghị quyết về Jerusalem đẩy Mỹ vào thế bị cô lập
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang tìm cách vô hiệu hóa tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là của Israel.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết liên quan đến vấn đề này được cho là chỉ mang tính tượng trưng, vì sẽ vấp phải lá phiếu phủ quyết của Mỹ - một trong 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thánh địa Jerusalem. Ảnh: Reuters
Dự thảo nghị quyết do Ai Cập soạn thảo khẳng định rằng bất cứ sự thay đổi nào đối với quy chế của Jerusalem không có hiệu lực pháp lí và phải bị hủy bỏ.
Theo Dự thảo, Jerusalem là một vấn đề cần được giải quyết thông qua đàm phán và bày tỏ lấy làm tiếc về những quyết định gần đây liên quan đến quy chế của Jerusalem, mặc dù không đề cập cụ thể đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các nước tránh mở Đại sứ quán tại Jerusalem.
Dự kiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu dự thảo này sớm nhất vào ngày mai (18/12). Các nhà ngoại giao cho rằng, Mỹ sẽ sử dụng lá phiếu phủ quyết, mặc dù 14 thành viên còn lại có thể sẽ ủng hộ thông qua, bao gồm cả đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Italia.
Mỹ là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc- điều đó có nghĩa là bất cứ động thái nào đảo ngược quyết định của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có thể bị Mỹ phủ quyết và trở thành vô hiệu.
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiếp tục thực hiện một chiến dịch phản đối quyết định của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các cơ chế để chứng tỏ rằng tuyên bố này vi phạm luật quốc tế. Chúng tôi sẽ hợp tác để phản đối quyết định không công bằng này, trước tiên là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu bị bỏ phiếu phủ quyết chúng tôi sẽ tiếp tục đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”.
Tuyên bố của Mỹ về quy chế của Jerusalem đã vấp phải sự chỉ trích của các nước Hồi giáo và Arab, gây ra các vụ đụng độ tại khu vực lãnh thổ chiếm đóng giữa lực lượng Palestine và Israel.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến đến thăm khu vực trong tuần tới nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước Arab sau quyết định của Mỹ. Chuyến thăm 3 ngày với điểm dừng là Ai Cập và Israel cũng nhằm thông báo Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem.
Mặc dù đây là chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Mỹ tới khu vực sau khi Mỹ đảo ngược chính sách về Jerusalem nhưng dường như ông Pence không được chào đón.
Palestine đang có kế hoạch tổ chức các cuộc đại biểu tình lớn vào tuần tới để phản đối chuyến thăm tới Jerusalem của Phó Tổng thống Mỹ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trước đó cũng tuyên bố hủy bỏ cuộc họp với Phó Tổng thống Pence, bác bỏ vai trò hòa giải của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Israel- Palestine.
Với sự ủng hộ của các nước Hồi giáo, Palestine dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết phản đối quyết định của Mỹ. Nhiều nhà lập pháp Arab cũng thông báo sẽ không tham dự bài phát biểu của ông Pence tại Quốc hội Israel
Nhiều cuộc biểu tình phản đối quyết định của Mỹ tiếp tục diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại thành phố Frankfurt của Đức để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Các cuộc diễu hành hòa bình cũng diễn ra tại Brazil để ủng hộ người dân Palestine./.
Quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem: Lợi bất cập hại?