Đức tiến thêm một bước đến chính phủ đại liên minh
VOV.VN - Những chướng ngại trên chặng đường tiến đến một chính phủ “đại liên minh tả - hữu” ở Đức đã được loại bớt.
Mục tiêu thành lập chính phủ “đại liên minh” của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến gần đến hiện thực hơn sau khi lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả ngày 17/10 nhất trí thúc đẩy cuộc đàm phán chính thức giữa ba đảng về thành lập liên minh cầm quyền cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Những "chướng ngại vật" trên chặng đường tiến đến một chính phủ “đại liên minh tả - hữu” ở Đức đã được loại bớt, song dư luận vẫn còn hoài nghi xen lẫn kỳ vọng về sự “phối hợp nhịp nhàng” của “cỗ xe tam mã” này trong tương lai.
Bà Angela Merkel đầy phấn khích sau khi rời cuộc họp của đảng Xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU trước cuộc đàm phán thăm dò thứ 3 với đảng SPD về thành lập chính phủ liên minh (Ảnh: AFP) |
Phát biểu sau cuộc đàm phán thăm dò thứ 3 kéo dài 3 tiếng đồng hồ, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội trung tả Đức Sigmar Gabriel cho biết, các nhà đàm phán của đảng này đã bỏ phiếu kín thông qua việc thúc đẩy đàm phán với liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel.
Dù đảng Dân chủ xã hội còn một cuộc bỏ phiếu cuối cùng về vấn đề này tại đại hội của đảng vào ngày 20/10 tới, nhưng nhiều khả năng kết quả sẽ không thay đổi so với quyết định ngày 17/10. Sau đó tiến trình đàm phán chính thức và đầy đủ giữa 3 đảng sẽ bắt đầu vào ngày 23/10 và dự kiến kéo dài trong vòng 1 đến 2 tháng.
Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội trung tả Đức Sigmar Gabriel cho biết: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường khá xa trước khi đạt được những kết quả cụ thể của tiến trình đàm phán này. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể tìm thấy những điểm chung trong liên minh để đem lại thành công cho cuộc đàm phán”.
Sau khi đối tác hiện tại của bà Merkel là đảng Dân chủ tự do không giành đủ số phiếu để trụ lại ở Quốc hội, đảng Dân chủ xã hội trở thành lựa chọn hàng đầu của liên đảng bảo thủ để liên minh. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất ở Đức cũng cho thấy, 2/3 người dân ủng hộ một chính phủ “đại liên minh” tả - hữu giữa hai đảng lớn nhất của nước này. Đây cũng là liên minh đã quen thuộc với người dân Đức trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Merkel từ năm 2005 đến 2009.
Hai đảng này cũng khá đồng điệu trong những vấn đề trọng tâm như cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng euro hay việc cắt giảm và hướng tới từ bỏ vĩnh viễn năng lượng hạt nhân ở Đức.
Tổng Thư ký Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Hermann Groehe cho biết: “Sau 3 vòng đàm phán thăm dò, chúng tôi nhận thấy, ngày càng rõ khả năng tìm những điểm chung để giải quyết nhưng thách thức mà nước Đức phải đối mặt trong vòng 4 năm tới và cũng nhằm tìm ra giải pháp quan trọng nhất cho những thách thức này để điều hành tốt bộ máy chính phủ trong những năm tới, vì lợi ích của người dân”.
Ngay cả những bất đồng về mức lương tối thiểu mà đảng Dân chủ Xã hội cho rằng nên ở mức 8,5 euro/giờ cũng không mấy khó khăn để đạt được thỏa hiệp với liên đảng bảo thủ của bà Merkel. Tuy nhiên, Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) trong liên đảng bảo thủ yêu cầu đảng trung tả không tăng thuế với những người thu nhập cao; không gây hậu quả tiêu cực cho thị trường việc làm và thời hạn áp dụng mức lương tối thiểu phải linh hoạt, có ngoại lệ theo vùng miền và ngành nghề.
Điều này không dễ khi mà các chuyên gia cảnh báo kế hoạch áp dụng mức lương tối thiểu của đảng Dân chủ xã hội có thể tác động nghiêm trọng tới thị trường việc làm ở nước này, đặc biệt ở khu vực Đông Đức. Ví dụ cụ thể này cho thấy, chặng đường thành lập liên minh cũng như tương lai 4 năm tới của chính phủ Đức sẽ không hết những chông gai thử thách đối với “cỗ tam mã” mà bà Merkel cầm cương./.