EU cạnh tranh với Trung Quốc ở Mỹ Latin
VOV.VN - Liên minh châu Âu tìm cách ứng phó với ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này.
Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung nhằm mang đến cho mọi công dân một xã hội thịnh vượng, đoàn kết và đáng sống”, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ Latin và Caribe quy tụ lãnh đạo từ 61 quốc gia châu Âu, châu Mỹ Latin và vùng Caribe đã bế mạc ngày hôm 11/6 (tức sáng sớm 12/6 theo giờ Hà Nội) tại Brussels, Bỉ.
Nam Mỹ |
Hội nghị đã đưa ra cam kết nhiều cam kết hợp tác thương mại, du lịch, trong đó có nguồn tài trợ 800 triệu USD từ phía Liên minh châu Âu dành cho Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribe.
Con số 800 triệu USD này trên thực tế không thấm tháp gì với con số 250 tỷ USD mà phía Trung Quốc mới cam kết dành cho khu vực Mỹ Latin cách đó không lâu. Thế nhưng đó là sự cố gắng rất lớn từ phía EU trong bối cảnh khu vực này vừa vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công một cách yếu ớt và sự chia rẽ đang tăng lên trong khối các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trước việc Trung Quốc cũng như Mỹ đang ngày càng gây ảnh hưởng rất lớn tới khu vực Mỹ Latin và Caribe, châu Âu, với tư cách là một khối thống nhất hùng mạnh của toàn cầu cảm thấy bị rơi vào tình trạng yếu thế.
Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ Latin và Caribe lần này là cơ hội mà Liên minh châu Âu không thể bỏ lỡ. Ngoài việc tăng các nguồn tiền đầu tư vào khu vực này, Liên minh châu Âu đã đạt được nhất trí với Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe trong việc khai thông những bế tắc trong đàm phán với khối kinh tế MERCOSUR gồm Brazil, Uruguay, Paraguay, Argentina, Venezuela để tiến tới ký kết hiệp định thương mại quy mô lớn EU-Mercosur.
Cuộc đàm phán EU-Mercosur về một hiệp định tự do thương mại được khởi động từ năm 1999, song đã lâm vào bế tắc năm 2004 do bất đồng giữa hai bên về việc áp thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ ngành nông nghiệp châu Âu.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker tỏ ra rất lạc quan về triển vọng tái đàm phán này: “Uỷ viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom cho tôi biết rằng mọi thứ vẫn đang đi theo đúng hướng và tôi hi vọng rằng các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ sớm kết thúc.”
Theo các nhà lãnh đạo của hai khối kinh tế lớn này, hiệp định tự do thương mại EU-Mercosur nếu được hình thành sẽ làm tăng trao đổi thương mại song phương lên 100 tỷ euro/năm và mang lại lợi ích cho hơn 700 triệu người dân.
Bên cạnh những thỏa thuận chung, EU và Brazil cũng đã thảo luận về kế hoạch xây dựng đường ống cáp quang viễn thông dưới biển nối từ Lisbon (Bồ Đào Nha) đến Fortaleza trị giá 185 triệu USD, nhằm giảm sự phụ thuộc của Brazil vào Mỹ. Tổng thống Braxin Dilma Rousseff' cho biết, việc thúc đẩy hợp tác với EU là cơ hội để Braxin thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện tại.
Tổng thống Roussef nói: “Chúng tôi khá lo lắng về tình trạng của nền kinh tế hiện tại. Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết lạm phát và thất nghiệp. Thúc đẩy các dự án hợp tác với EU, chúng tôi vừa có những nguồn lực để giải quyết vấn đề của mình, đồng thời chúng tôi cũng nhìn nhận về vấn đề của mình dưới kinh nghiệm của Liên minh châu Âu trong nợ công và giải quyết tình trạng thất nghiệp.”
Tại Hội nghị, các nước Liên minh châu Âu cũng ký các thỏa thuận miễn thị thực du lịch cho công dân của 5 quốc gia khu vực Caribe nhằm thu hút lượng khách du lịch của các quốc gia này tới châu Âu trong tương lai.
Không chỉ dừng lại ở tham vọng thúc đẩy thương mại, EU cũng muốn tìm kiếm các mối quan hệ ngoại giao “cùng có lợi” với Cồng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe, trong đó có Cuba, vốn đang có những xung đột về lợi ích với đồng minh thân cận của EU là Mỹ.
Trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU-Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (EU-CELAC) kéo dài hai ngày tại Brussels (Bỉ), các quốc gia EU và Mỹ Latin nêu rõ: “Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi hy vọng tất cả những bước đi cần thiết sẽ được thực thi nhằm hướng tới việc sớm chấm dứt lệnh cấm vận này."
Các lệnh trừng phạt đã gây ra “những hậu quả nhân đạo phi lý” đối với nhân dân Cuba và “đang làm tổn hại đến sự phát triển hợp pháp trong các mối quan hệ kinh tế giữa Cuba, EU và các quốc gia khác."
Các nhà lãnh đạo của ba khu vực trên đã hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro hồi tháng 12 năm ngoái rằng họ sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong khi đó, EU và Cuba dự kiến sẽ tổ chức thêm một vòng đàm phán ở Brussels vào đầu tuần tới (khoảng 15-16/6) trong nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ song phương./.
>> Xem thêm: Trung Quốc “làm bá chủ” thị trường châu Mỹ Latin