EU chấp nhận thực tế không còn được sử dụng nguồn nhiên liệu giá rẻ từ Nga
VOV.VN - Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, giờ là lúc các nước thành viên EU cần hiểu rằng khối này sẽ không còn được quay trở lại thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ như trước. Sau các đòn trừng phạt nhằm vào lĩnh vực khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga, Liên minh châu Âu cần tăng cường chuẩn bị cho mục tiêu cắt giảm sâu hơn lượng khí đốt nhập từ Nga.
“Chúng ta sẽ không còn quay trở lại thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch rẻ như trước đây. Do đó, cùng với các biện pháp hỗ trợ tạm thời và có trọng điểm để giúp các gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, chúng ta cần tăng cường các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và xã hội để thích ứng với điều kiện mới”, bà Leyen nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cho biết, sẽ có sự điều chỉnh về chính sách kinh tế nhằm giảm áp lực đối với lạm phát do giá cả tăng cao và nguy cơ châu Âu bước vào mùa đông lạnh giá tới.
“Lạm phát là mối quan tâm lớn đối với chúng ta vào lúc này. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang đẩy giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa leo thang, tác động trực tiếp cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần đoàn kết và nhất trí phối hợp với nhau thông qua các chính sách kinh tế”, bà Leyen cho biết thêm.
Để bù đắp nguồn năng lượng trước đây nhập khẩu từ Nga, Hội nghị nhất trí sẽ tìm nguồn cung thay thế, với giá cả phải chăng. Đây được xem là một trong ba ưu tiên được liệt kê trong kế hoạch của Ủy ban châu Âu có tên “Tiếp sức cho EU” nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Dự kiến các đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra bàn bạc tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra vào tháng 10 tới.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Liên minh châu Âu nhập khẩu tới 40% lượng khí đốt từ Nga. Sau các lệnh trừng phạt liên tiếp vào ngành năng lượng của Nga, Liên minh châu Âu đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, khó có thể bù đắp trong ngắn hạn. Bện cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng đang phải xử lý tình trạng lạm phát gia tăng ở 19 quốc gia có sử dụng chung đồng euro và tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ suy giảm 2,7% trong năm nay./.