EU chia rẽ về kế hoạch cấm vận dầu mỏ Nga
VOV.VN - Hơn một tuần sau khi được công bố, nỗ lực của Ủy ban châu Âu nhằm thúc đẩy gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, đặc biệt trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt vẫn chưa được thông qua.
Vấn đề cấm vận dầu Nga đang gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên EU. Việc đảo ngược hàng thập kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga không phải là vấn đề đơn giản đối với Liên minh châu Âu.
Ủy ban châu Âu mới đây đã đề nghị bồi thường tài chính cho Hungary trong nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Viktor Orban thông qua các biện pháp trừng phạt do khối này đề xuất đối với dầu mỏ của Nga. Việc đảm bảo sự ủng hộ của Hungary đối với nỗ lực ngăn chặn mọi hoạt động xuất khẩu nhiên liệu thô và tinh chế của Nga vào Liên minh châu Âu là rất cần thiết để duy trì sự thống nhất của khối trong phản ứng với các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên đề xuất lại đang vấp phải sự phản đối dữ dội của các nước thành viên. Tại cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu diễn ra hôm qua (11/5) ở thủ đô Brussels (Bỉ), một số nước đã bày tỏ quan ngại kế hoạch này. Tranh cãi đã phần nào phản ánh những khó khăn ngày càng gia tăng đối với Liên minh châu Âu khi tìm cách gây áp lực lên Nga.
Bất chấp việc Ủy ban châu Âu đã sửa đổi đề xuất ban đầu khi đồng ý cho Hungary, Bulgaria, Slovakia và Cộng hòa Séc thêm thời gian để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga, song Budapest vẫn không thay đổi lập trường.
Theo Thủ tướng Orban, việc cấm khai thác dầu từ Nga sẽ có tác động tàn phá đối với nền kinh tế: “Chúng tôi quan tâm đến hợp tác và đối thoại với Liên minh châu Âu nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được nếu họ tính đến lợi ích của chúng tôi. Không thể chấp nhận được việc họ phớt lờ chúng tôi và đưa ra các đề xuất đi ngược lại lợi ích của Hungary và ngược lại với các đề xuất trước đây. Thực tế là các biện pháp trừng phạt mà chúng ta đưa ra cho đến nay đã gây ra nhiều rắc rối cho nền kinh tế châu Âu hơn là cho Nga. Dù sao thì tôi cũng không coi chúng là một công cụ tốt”.
Trong khi các cuộc đàm phán hồi đầu tuần này với Hungary đã kết thúc mà không đạt được kết quả, Ủy ban châu Âu vẫn chưa thể ấn định thời điểm cho cuộc họp trực tuyến với các công ty năng lượng trong khu vực để thảo luận về hợp tác cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell hi vọng những khó khăn sẽ được tháo gỡ trước khi các Ngoại trưởng EU nhóm họp vào đầu tuần tới.
Châu Âu là thị trường chủ chốt của Nga về xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và cũng là khu vực tạo ra nguồn thu ngân sách chủ yếu cho Moscow. Tuy nhiên việc đảo ngược hàng thập kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga không phải là vấn đề đơn giản đối với khối 27 quốc gia thành viên.
EU hiện đang phải mua khí đốt tự nhiên với giá cao hơn do nhu cầu cấp bách phải tích đầy kho trước khi mùa đông đến hoặc trước khi Nga ngừng cung cấp khí đốt. Chính vì thế, bất chấp cảnh báo leo thang căng thẳng của các chính phủ châu Âu, khí đốt và dầu vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu từ Nga. Theo tính toán của các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, Liên minh châu Âu đã chuyển 450 triệu USD mỗi ngày để mua dầu của Nga và 400 triệu USD mỗi ngày đối với khí đốt tự nhiên. Điều này có nghĩa là năng lượng vẫn mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho Moscow bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây./.