EU công bố bản kế hoạch chống biến đổi khí hậu tham vọng song cũng đầy tranh cãi
VOV.VN - Các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (14/7) công bố bản dự thảo kế hoạch biến đổi khí hậu được xem là tham vọng nhất từ trước đến nay, nhằm chuyển những mục tiêu sinh thái xanh thành các hành động cụ thể.
Bản kế hoạch được cho là sẽ đưa Liên minh châu Âu trở thành hình mẫu trong hoạt động chống biến đổi khí hậu trên thế giới song cũng chứa đựng nhiều yếu tố gây tranh cãi.
Kế hoạch mang tên “Fit for 55”, tạm dịch là “Thích ứng 55” do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo gồm hàng chục dự thảo văn bản luật nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng, mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng pin.
Trọng tâm của kế hoạch này là điều chỉnh các đạo luật và những mục tiêu hiện hành của Liên minh châu Âu để có thể giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990. Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ nâng chi phí phát thải carbon đối với hệ thống đốt nóng trong các hộ gia đình, công sở, phương tiện tham gia giao thông, các nhà sản xuất, đánh thuế carbon đối với ngành hành không, nhiên liệu vận tải tàu thuyền, đánh thuế đối với các nhà nhập khẩu đối với các sản phẩm gây hại cho môi trường như xi-măng, thép và nhôm. Một trong những động thái quyết liệt nhất trong bản kế hoạch chính là cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2035. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm điều chỉnh Cơ chế giao dịch khí thải (ETS) còn nhiều kẽ hở của Liên minh châu Âu – thị trường khí thải carbon lớn nhất thế giới.
Đây được xem là một bản kế hoạch đầy tham vọng và sẽ đưa Liên minh châu Âu trở thành hình mẫu trong hoạt động chống biến đổi khí hậu trên thế giới.
Sở dĩ nói đây là kế hoạch đầy tham vọng bởi thứ nhất, mục tiêu mà kế hoạch đề ra bao quát nhiều đối tượng được điều chỉnh từ hộ gia đình, công sở, các nhà sản xuất đến các nhà nhập khẩu… Thứ hai, mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí hậu được nâng lên chỉ trong một thời gian ngắn. Từ năm 1990 đến năm 2019, EU đề ra mục tiêu cắt giảm 24% lương phát thải. Tuy nhiên, mục tiêu đã được nâng lên 31% từ nay cho đến năm 2030, tức là chỉ trong vòng 9 năm, giảm đi hơn 1 nửa so với trước.
Phát biểu với bao giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, đây là những bước đi cần thiết nhằm giúp khối này đạt mục tiêu trở thành khu vực không phát thải carbon vào năm 2030.
“Châu Âu giờ đã trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới công bố một bản kiến trúc toàn diện nhằm đáp ứng mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Chúng ta đã có mục tiêu và giờ chúng ta công bố lộ trình để đi đến mục tiêu đó. Bản kế hoạch này sẽ kết hợp giảm phát thải đi kèm các biện pháp bảo vệ thiên nhiên, cũng như đặt việc làm và sự cân bằng xã hội trở thành trọng tâm ngay trong quá trình chuyển đổi đó”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, nếu các biện pháp trong bản kế hoạch trên được triển khai lâu dài thì có thể sẽ khiến giá nhiên liệu tăng cao, gây khó khăn cho cả các hộ gia đình, các ngành vận tải, năng lượng, xây dựng… Kế hoạch này cũng có thể gây tranh cãi giữa các hãng hàng không xung quanh biện pháp đánh thuế nhiên liệu đối với các chuyến bay trong phạm vi châu Âu. Ngoài ra, kế hoạch cũng sẽ vấp phải sự phản đối trước sự vận động hành lang quyết liệt từ giới kinh doanh, từ các quốc gia thành viên nghèo hơn muốn ngăn chặn sự gia tăng chi phí sinh hoạt và từ các quốc gia ô nhiễm hơn phải đối mặt với một quá trình chuyển đổi kinh tế được xem là khá tốn kém trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng thừa nhận vấn đề này: “Như Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề cập, việc triển khai bản kế hoạch trên thực tế sẽ không dễ dàng, thậm chí còn khó khăn. Tuy nhiên, đây là một nghĩa vụ. Bởi nếu chúng ta không thực hiện nghĩa vụ giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên, bản thân chúng ta sẽ thất bại và chúng ta cũng thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ với các thế hệ con cháu chúng ta. Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta không bảo vệ thiên nhiên, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với cuộc chiến lâu dài nhằm giành giật nguồn nước và thực phẩm trong tương lai. Bản kế hoạch chính là nền tảng của những nố lực của chúng ta”.
Để triển khai trên thực tế, bản kế hoạch cần được 27 nước thành viên và nghị viện châu Âu phê chuẩn. Trước mắt, văn kiện này sẽ được đưa ra bàn thảo trong nội bộ khối này ít nhất là 2 năm trước khi đi đến thống nhất chung./.