EU công bố cam kết cụ thể trước thềm Thượng đỉnh khí hậu COP26
VOV.VN - Ủy ban châu Âu đặt ra và muốn thuyết phục các nước, đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí metan so với mức của năm 2020.
Ủy ban châu Âu ngày 28/10 đã công bố các biện pháp cụ thể mà Liên minh châu Âu cam kết sẽ thúc đẩy tại hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc – COP26 sẽ khai mạc vào ngày 31/10 tại thành phố Glasgow, Scotland – Vương quốc Anh, trong đó đáng chú ý là nỗ lực cắt giảm khí metan.
Trong danh sách các mục tiêu cụ thể mà Ủy ban châu Âu đặt ra và muốn thuyết phục các nước tham gia có việc đến năm 2030 Liên minh châu Âu – EU sẽ cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí metan so với mức của năm 2020.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, việc cắt giảm khí metan ít được chú ý hơn so với cắt giảm khí CO2 nhưng khí metan là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra việc biến đổi khí hậu, sau khí CO2, đồng thời ấm hơn 80 lần so với CO2, do đó châu Âu cần phải hành động nhanh chóng.
Bà Ursula von der Leyen cũng thông báo cho biết đã có khoảng 60 quốc gia đồng ý tham gia vào nỗ lực cắt giảm khí metan cùng EU, đồng thời khẳng định, các nước phải quyết liệt ngay từ bây giờ nếu không sẽ là quá muộn.
“Điểm khởi đầu của chúng ta không tốt, do đó đây cũng là thời điểm của sự thật. Khoa học đã nói rất rõ điều đó, các báo cáo cũng đã chỉ ra rất rõ điều đó, rằng chúng ta cần phải làm tốt hơn. Đây không phải là vấn đề của 30 hay 40 năm nữa mà là ngay bây giờ. Ngay trong thập kỷ này chúng ta đã phải làm tốt hơn, nếu không sẽ đạt tới điểm không thể xoay chuyển tình thế”, bà Ursula von der Leyen nói.
Bên cạnh biện pháp cắt giảm khí metan, Liên minh châu Âu cũng cho biết sẽ tài trợ 1 tỷ euro cho các dự án trồng rừng trên toàn cầu, trong đó 250 triệu euro dành riêng do khu vực hạ lưu Congo ở vùng châu Phi xích đạo. Ngoài ra, EU cùng một số nước cũng ký thỏa thuận giúp Nam Phi nhanh chóng chấm dứt việc sử dụng than để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc – COP26 sẽ khai mạc cuối tuần này, ngày 31/10 tại thành phố Glasgow, Scotland – Vương quốc Anh và kéo dài trong hai tuần. Mục tiêu được COP26 đặt ra là đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá giữa các quốc gia trên toàn thế giới nhằm cắt giảm một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đảm bảo đến cuối thế kỷ 21, trái đất chỉ nóng lên thêm 1,5 độ C.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy thỏa thuận sẽ khó đạt được do còn quá nhiều bất đồng giữa các quốc gia đóng vai trò lớn trong việc phát thải khí CO2./.