EU lần đầu tiên đạt được đồng thuận về hiệp ước tị nạn và di cư
VOV.VN - Ngày 4/10, EU tuyên bố đã đạt được sự nhất trí của các nước thành viên về hiệp ước tị nạn và di cư. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm đàm phán, khối 27 nước tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Tại phiên họp ở Brussels, đại sứ các nước EU đã thảo luận xoay quanh một văn bản sửa đổi về “Quy định khủng hoảng”, cho phép thiết lập một chế độ đặc biệt ít bảo vệ người xin tị nạn hơn trong trường hợp có làn sóng người di cư ồ ạt vào một quốc gia EU, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015-2016. Văn bản này cũng là những vướng mắc cuối cùng trong Hiệp ước về di cư và tị nạn của EU.
Viện trợ nhân đạo và hoạt động cứu hộ trên biển là 2 vấn đề vấp phải sự phản đối khiến các cuộc đàm phán bị bế tác từ nhiều tháng qua. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự bất đồng giữa Đức và Italy, khiến hiệp ước không thể thông qua tại hội nghị ngày 28/9 trước đó.
Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu ngày 4/10, Tây Ban Nha, quốc gia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn.
Nghị sĩ Châu Âu Juan Fernando Lopez Aguilar chia sẻ: “Tôi biết có những sự miễn cưỡng và kháng cự. Nhưng đại đa số các nghị sĩ ủng hộ châu Âu tại Nghị viện đã khẳng định mong muốn đạt được thỏa thuận về hiệp ước di cư và tị nạn trong quá trình đàm phán này. Chúng ta phải có giải pháp ở quy mô châu Âu đối với những tình huống tương tự như tình huống hiện đang xảy ra ở Lampedusa”.
Sau khi đạt được sự đồng thuận, Hiệp ước về di cư và tị nạn sẽ được chuyển đến Nghị viện châu Âu để đánh giá và xem xét. Hiện, Ủy ban châu Âu hy vọng Hiệp ước này sẽ được thông qua trước cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6/2024.
Hiệp ước về di cư và tị nạn của EU sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia nằm ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác hoặc yêu cầu đóng góp tài chính từ những quốc gia không muốn tiếp nhận người tị nạn. Đồng thời, hiệp ước này cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển trong thời gian ngắn nhất.