EU tăng cường tự sản xuất vũ khí để không phụ thuộc Mỹ
VOV.VN - Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch tăng cường đáng kể sản xuất vũ khí để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và tăng viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Theo AFP, Ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton ngày 5/3 cho biết, kế hoạch mới của EU nhằm khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí châu Âu tăng tốc sản xuất vũ khí để đối phó với sự trở lại của xung đột cường độ cao ở biên giới.
Kế hoạch nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất vũ khí, trong đó dành khoảng 1,5 tỷ euro (tương đương khoảng 1,63 tỷ USD) từ ngân sách hiện tại của EU. Ông Breton trước đó cho biết, châu Âu sẽ cần chi khoảng 108,5 tỷ USD để có thể cạnh tranh với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho rằng, khoản đầu tư ban đầu không lớn, nhưng nhấn mạnh rằng kế hoạch này sẽ đặt nền tảng để EU có thể “chịu trách nhiệm nhiều hơn” với an ninh của mình.
Bà Vestager cũng ám chỉ rằng việc EU tăng cường sản xuất vũ khí giống như một phương án dự phòng, trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, sau đó quyết định không viện trợ cho Ukraine nữa và rút Mỹ khỏi NATO.
“Chúng ta phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình, trong khi vẫn duy trì cam kết đầy đủ với NATO. Chúng ta cần đạt được sự cân bằng xuyên Đại Tây Dương bất chấp kết quả bầu cử ở Mỹ”, bà Vestager nói.
Bà Vestager cho biết, việc các quốc gia EU mua phần lớn vũ khí từ bên ngoài châu Âu là “không còn bền vững”, lưu ý rằng gần 80% vũ khí EU mua sau khi xung đột Ukraine bùng phát tới từ các nước ngoài khối, trong đó riêng Mỹ là 60%.
Sáng kiến này sẽ khuyến khích các thành viên EU chi ít nhất một nửa ngân sách quốc phòng để mua vũ khí do châu Âu sản xuất vào năm 2030, với mục tiêu tăng lên 60% vào năm 2035. Nỗ lực này sẽ được hỗ trợ bằng việc giảm thuế và một cơ chế mới để khuyến khích mua bán vũ khí trong EU.
Ukraine sẽ được coi là “thành viên chưa chính thức” của EU, giúp quốc gia này có thể mua vũ khí do EU sản xuất.
Theo ông Breton, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các quốc gia thành viên EU đã gửi khoảng 80.000 viên đạn pháo tới Ukraine mỗi tháng.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, tuy nhiên, sự hỗ trợ của Washington cho Kiev đã chậm lại trong năm nay. Khoản hỗ trợ bổ sung 60 tỷ USD dành cho Ukraine mà Tổng thống Joe Biden đưa ra vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.