EU tung gói trừng phạt mới: Mạnh tay với Nga hay đánh thẳng vào chính mình?
VOV.VN - Thỏa thuận lịch sử của EU cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ Nga là biện pháp mạnh tay của EU hay dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết của liên minh này đã lung lay trước lệnh trừng phạt Nga? Theo giới quan sát, dù gì thì các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế một số nước thành viên.
Biện pháp mạnh tay hay dấu hiệu lung lay?
Thỏa thuận lịch sử của EU cấm nhập khẩu phần lớn dầu mỏ Nga vào cuối năm nay được liên minh này cho là một thành tựu lớn. Việc đưa 27 quốc gia, trong đó nhiều nước phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga, nhất trí về một gói trừng phạt gần như chắc chắn sẽ gây tổn thấy cho nền kinh tế của họ vì Ukraine - một quốc gia thậm chí không thuộc EU, là điều ít người nghĩ tới cách đây một vài tháng.
Tuy nhiên, thỏa thuận này có những hạn chế cho thấy sự thiếu đoàn kết của EU cũng như là một "cơn đau đầu" cho liên minh này trong tương lai.
EU đã mất nhiều tuần giải quyết bất đồng giữa các thành viên để đưa ra gói trừng phạt trên - những biện pháp mà chính phủ Ukraine cho là "quá ít và quá muộn".
Cựu Ngoại trưởng Ukraine Ivanna Klympush-Tsintsadze nhận định với kênh tin tức Channel 4 của Anh rằng: "Châu Âu đang mất đi sự đoàn kết trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt. Đó là một dấu hiệu tích cực với điện Kremlin và là một điều vô cùng đáng lo ngại với tương lai châu Âu cũng như tương lai Ukraine".
Điểm mấu chốt trong gói trừng phạt mới và cũng là điểm gây tranh cãi nhất là lệnh cấm ngay lập tức khoảng 2/3 dầu mỏ Nga nhập khẩu vào EU. Đây là một biện pháp cứng rắn nhưng nó không thể đáp ứng yêu cầu cấm vận toàn hoàn dầu mỏ Nga như Ukraine và một số quốc gia EU khác, cụ thể là Ba Lan và các nước vùng Baltic, đề xuất.
Họ cho rằng bởi vì EU đã chi hơn 2 tỷ USD/tuần cho dầu mỏ Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra mà "cỗ máy chiến tranh" của Moscow vẫn vận hành nhờ khoản doanh thu này, đồng thời kêu gọi điều đó phải chấm dứt hoàn toàn và ngay lập tức. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc bất kỳ quốc gia châu Âu nào phản đối lệnh cấm vận đều là "tiếp tay cho những hành vi của Nga ở Ukraine".
Dù vậy, Hungary - một quốc gia không giáp biển vốn phụ thuộc chủ yếu vào đường ống dẫn dầu từ Nga đã phản đối mạnh mẽ lệnh cấm vận hoàn toàn và buộc EU chỉ dừng nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng tác động của lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ giống như "thả một quả bom nguyên tử vào nền kinh tế của chúng tôi".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 30/5 cũng chỉ trích Ủy ban EU và gọi cơ quan này là vô trách nhiệm khi đặt nền kinh tế của các nước thành viên gặp rủi ro. Ông đã tuyên bố: 'Chúng tôi sẽ khiến cho đề xuất của Ủy ban này về việc cấm dầu Nga ở Hungary không thể thực hiện được".
"Hungary rất phụ thuộc vào dầu mỏ Nga và các nhà máy lọc dầu của nước này được thiết kế chỉ có thể xử lý dầu thô Nga", Ian Bond, giám đốc chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu ở London cho hay.
Ukraine cáo buộc EU đang khiến Nga trở nên mạnh hơn khi liên minh này không áp lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ. Ngoài ra Kiev còn có những mối lo ngại khác sau khi Pháp kín đáo hối thúc họ nhượng bộ chủ quyền Ukraine để đổi lấy thỏa thuận hòa bình với Nga.
EU phụ thuộc vào dầu mỏ Nga như thế nào?
Nga là nhà xuất khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất sang EU, cung cấp 2,2 triệu thùng dầu/ngày và 1,2 triệu thùng các sản phẩm từ dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay. Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ước tính xuất khẩu dầu mang về cho Nga 1 tỷ USD/ngày.
Giá năng lượng tăng cao đã khiến doanh thu của Nga từ xăng dầu tăng gấp đôi từ tháng 1 - 4 với 4,77 nghìn tỷ rúp, so với 2,5 nghìn tỷ rúp cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã khiến Nga có thể bù đắp cho việc giảm doanh thu ở các ngành khác cũng như có tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đồng rúp ổn định và giá năng lượng tăng cao sẽ cho phép chính phủ Nga tiếp tục duy trì các chi tiêu xã hội ở mức hiện tại trong ít nhất 1 hoặc 2 năm.
Trong khi đó, một số nước EU sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi không thể nhập khẩu dầu Nga. Năm ngoái, Slovakia nhập khẩu 96% dầu từ Nga (105.000 thùng/ngày). Tỷ lệ nhập khẩu dầu Nga ở Hungary là 58% (70.000 thùng/ngày) và Cộng hòa Séc nhập khẩu một nửa số dầu từ Nga (68.000 thùng/ngày). Các quốc gia EU khác ít phụ thuộc vào dầu Nga hơn nhưng giá dầu tăng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở châu Âu.
Nếu như không xuất khẩu dầu sang châu Âu, Nga vẫn có thể bán dầu để lấy ngoại tệ cho các khách hàng khác ngoài châu lục này. Theo số liệu từ IEA, hồi tháng 3, Nga đã tăng cung cấp dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc: Khoảng 310.000 thùng/ngày tới Ấn Độ (so với việc hầu như không xuất khẩu sang Ấn Độ hồi tháng 2) và tăng thêm 70.000 thùng/ngày để lên 790.000 thùng/ngày sang Trung Quốc.
Cũng trong tháng đó, lượng dầu Nga cung cấp sang châu Âu giảm 420.000 thùng/ngày xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày. Điều đó tức là Nga đã chuyển lượng dầu không thể xuất sang châu Âu để chuyển sang châu Á. Quá trình này có thể vẫn tiếp tục bởi vì giá dầu tăng cao hiện nay khiến Moscow có thể đề xuất giảm giá đáng kể cho các khách hàng châu Á.
Tác động của lệnh trừng phạt đến EU
Ở khắp châu Âu, mối lo ngại về những tác động của cuộc chiến ở Ukraine ngày càng gia tăng.
"Tại Pháp, Italy và Đức, cảm giác này ngày càng gia tăng trong 2 tuần qua. Họ cho rằng giữa bối cảnh châu Âu đối mặt với một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, một cuộc xung đột mở rộng sẽ chỉ gây ra những tổn thất to lớn", ông Nick Redman, giám đốc phân tích tại Oxford Analytica đánh giá.
Điều này có lẽ giải thích tại sao Đức chưa vận chuyển bất kỳ vũ khí hạng nặng nào cho Ukraine như đã hứa hồi tháng 4. Phải chăng phản ứng của châu Âu trước chiến dịch của Nga ở Ukraine đang yếu dần?
Trả lời câu hỏi này, ông Redman cho rằng: "Tôi không chắc liệu đó có phải sự suy yếu hay không nhưng chắc chắn đang có sự lung lay vào thời điểm này".
EU khẳng định lệnh cấm nhập khẩu 2/3 dầu mỏ Nga sẽ là một cú đánh mạnh vào điện Kremlin và theo những cam kết riêng của Đức và Ba Lan, 90% dầu nhập khẩu của những nước này từ Nga sẽ dừng lại vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong khi châu Âu không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn thì dường như Ukraine cảm nhận ngày càng rõ ràng bối cảnh chính trị trong nước đang dẫn đến sự dịch chuyển về thái độ ủng hộ của các quốc gia châu Âu.
Hiện nay, các chính trị gia châu Âu sẽ đối mặt với những nhiệm vụ khẩn cấp cùng lúc như tìm kiếm nguồn thay thế, giải thích sự tăng giá năng lượng với cử tri và giảm tác động từ lệnh cấm vận với những nước EU phụ thuộc nhiều nhất với dầu mỏ Nga.
Cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu, khiến cuộc khủng hoảng lương thực trở nên tồi tệ và làm tăng giá các mặt hàng liên quan đến năng lượng.
Với những khó khăn của lệnh cấm vận dầu mỏ, có thể khẳng định rằng châu Âu vẫn còn một chặng đường dài để nhất trí về những gì cần làm với khí tự nhiên Nga, loại năng lượng mà châu lục này phụ thuộc vào Nga còn nhiều hơn cả dầu mỏ.
Các nước thành viên EU cũng bất đồng về các vấn đề có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine, từ liệu Ukraine có gia nhập EU hay không cho đến EU có nên áp dụng chính sách quốc phòng và đối ngoại cứng rắn hơn hay không, hoặc liệu những quốc gia như Hungary có thể cản trở quyết định của phần còn lại của liên minh không hay liệu EU có thể cải cách điều đó hay không?
Brussels đã trải qua những ngày khó khăn và các quan chức EU hiện đã có thể thở phảo khi thỏa thuận đạt được nhưng vân còn quá nhiều bất đồng trước khi cuộc khủng hoảng này kết thúc và những giới hạn cho sự đoàn kết của EU có thể vẫn sẽ bị kéo căng cho đến điểm đứt gãy./.