Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu

VOV.VN - Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã định hình lại thị trường dầu mỏ trên toàn cầu khi châu Phi nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu của châu Âu và Nga đang tăng cường khai thác các chuyến tàu để đưa dầu thô sang châu Á.

Nga chuyển hướng sang châu Á

Việc chuyển hướng đánh dấu sự thay đổi lớn nhất về nguồn cung dầu mỏ toàn cầu kể từ cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ vào khoảng một thập kỷ trước. Điều này cũng cho thấy Nga sẽ có thể chống đỡ trước lệnh cấm dầu của EU, với điều kiện châu Á và Trung Quốc tiếp tục mua dầu thô của Moscow.  

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến hoạt động quân sự ở Ukraine, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Mỹ, đã khiến Nga phải xoay trục khỏi châu Âu và chuyển sang các bên mua khác là Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, vào tháng 4, xuất khẩu dầu của Nga đã trở lại mức trước khi xảy ra chiến dịch quân sự. Giá dầu đã ổn định quanh mức 110 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong 14 năm qua là hơn 139 USD/thùng vào tháng 3.  

Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi EU thống nhất cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga, tác động của lệnh cấm vận đối với Moscow có thể được giảm bớt bởi nhu cầu từ châu Á.

“Trừ khi phương Tây gây áp lực ngoại giao lên những những người mua châu Á, nếu không, nguồn cung dầu từ Nga ra nước ngoài sẽ không thay đổi và giá dầu vẫn sẽ tăng vọt”, Norbert Rucker, người đứng đầu bộ phận kinh tế của nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Julius Baer, cho biết.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và EU đã cấm các tàu thuộc sở hữu của Nga hoặc mang cờ Nga ghé cảng của các nước này. Điều này nghĩa là một phần trong lượng dầu sẽ được chuyển sang châu Á, được thực hiện thông qua hình thức chuyển hàng từ tàu sang tàu (STS), một quá trình tốn kém hơn và có nguy cơ tràn dầu cao hơn.

Theo công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics và các dữ liệu khác, nhìn chung, lượng dầu của Nga đến châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm 2022.

“STS diễn ra phổ biến ở vùng biển Đan Mạch, tại cửa Biển Baltic. Nhưng điều này hiện không còn nữa, xu hướng STS từ tàu chở dầu bị trừng phạt sang tàu không bị trừng phạt đang gia tăng ở vùng biển Địa Trung Hải”, Chủ tịch Petro-Logistics Mark Gerber nói.

Ông Gerber cho biết, khối lượng dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga được chuyển giữa các tàu tại vùng biển Địa Trung Hải vào khoảng 400.000 thùng/ngày, trong đó phần lớn được chuyển đến châu Á, bên cạnh 2,3 triệu thùng/ngày được chuyển trực tiếp.

Vào tháng 1, trước khi xảy ra hoạt động quân sự ở Ukraine, Nga chuyển trực tiếp khoảng 1,5 triệu thùng/ngày tới châu Á.

Các nhà giao dịch cho biết, dầu Nga trên các tàu chở dầu Aframax hoặc Suezmax có sức chở dưới 1 triệu thùng và được chuyển sang các con tàu lớn hơn với sức chở 2 triệu thùng, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Khối lượng vận chuyển bằng đường biển chỉ là một phần trong tổng khối lượng xuất khẩu từ Nga. Nếu tính cả nguồn cung qua đường ống, tổng xuất khẩu sản phẩm và dầu thô của Nga chỉ tăng lên 8 triệu thùng/ngày trong tháng 4, bằng mức trước khi chiến sự nổ ra.

Tây Phi “nhập cuộc”

Để bù đắp cho sự thiếu hụt dầu của Nga, các nhà máy lọc dầu châu Âu đã chuyển sang nhập khẩu dầu thô từ Tây Phi. Theo Petro-Logistics, lượng dầu nhập khẩu từ khu vực này của châu Âu đã tăng 17% trong tháng 4 so với mức trung bình trong giai đoạn 2018-2021.

Dữ liệu của Eikon cũng cho thấy sự gia tăng lượng dầu thô nhập khẩu từ khu vực này và 660.000 thùng/ngày, chủ yếu đến từ Nigeria, Angola và Cameroon, đang cập bến Tây Bắc châu Âu trong tháng 5.

Trong khi đó, lượng dầu thô Tây Phi xuất khẩu sang Ấn Độ đã giảm gần một nửa, ông Gerber cho biết. Trong tháng 4, Tây Phi chỉ xuất khẩu sang Ấn Độ khoảng 280.000 thùng/ngày, so với 510.000 thùng/ngày vào tháng 3.

Các nhà giao dịch cho biết, khi nhu cầu của châu Âu gia tăng, giá dầu thô ngọt nhẹ của Nigeria đã đạt mức cao kỷ lục. Dầu thô Forcados của nước này đã được chào bán với giá cao hơn dầu Brent ít nhất 7 USD.

Ngoài ra, theo Petro-Logistics, nguồn cung dầu từ Bắc Phi sang châu Âu tăng 30% kể từ tháng 3. Trong số đó, số liệu của Eikon cho thấy lượng dầu đến Tây Bắc châu Âu từ cảng Sidi Kerir của Ai Cập đã tăng gần gấp đôi so với tháng 3 lên trên 400.000 thùng/ngày vào tháng 5.

Mỹ cũng đã tăng cường cung cấp dầu cho châu Âu. Theo công ty giám sát Kpler, nhập khẩu dầu thô của châu Âu từ Mỹ trong tháng 5 đã tăng hơn 15% so với tháng 3. Đây cũng là mức tăng hàng tháng cao nhất công ty này từng ghi nhận được. Châu Âu đã nhận được khoảng 1,45 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phản ứng của Nga trước việc EU cấm vận một phần dầu Moscow
Phản ứng của Nga trước việc EU cấm vận một phần dầu Moscow

VOV.VN - Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna Mikhail Ulyanov cho biết, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.

Phản ứng của Nga trước việc EU cấm vận một phần dầu Moscow

Phản ứng của Nga trước việc EU cấm vận một phần dầu Moscow

VOV.VN - Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna Mikhail Ulyanov cho biết, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.

Các nước EU đã nhất trí cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga
Các nước EU đã nhất trí cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga

VOV.VN - Tại Brussels, nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh đột xuất của EU về Ukraine, Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu đã đồng ý về lệnh cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga.

Các nước EU đã nhất trí cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga

Các nước EU đã nhất trí cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga

VOV.VN - Tại Brussels, nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh đột xuất của EU về Ukraine, Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu đã đồng ý về lệnh cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga.

EU chia rẽ vì cái giá phải trả nếu áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga
EU chia rẽ vì cái giá phải trả nếu áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

VOV.VN - Với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm tăng là "kẻ thù" thậm chí còn đáng sợ hơn Nga. Bằng chứng là đã 25 ngày trôi qua, châu Âu vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.

EU chia rẽ vì cái giá phải trả nếu áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

EU chia rẽ vì cái giá phải trả nếu áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

VOV.VN - Với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm tăng là "kẻ thù" thậm chí còn đáng sợ hơn Nga. Bằng chứng là đã 25 ngày trôi qua, châu Âu vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.