G7 đang chơi “trò chơi nguy hiểm” khi đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau
VOV.VN - G7 đang chơi "trò chơi nguy hiểm" khi đưa ra những chỉ trích gây hấn và vô căn cứ nhằm vào điện Kremlin bởi việc này sẽ đẩy Moscow xích lại gần Bắc Kinh, Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin nhận định hôm 20/5.
Các Ngoại trưởng G7 vào tháng này đã chỉ trích Nga và Trung Quốc khi lên án những hành động "xấu xa" của Nga và những hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc. Trong một tuyên bố dài 12.400 từ, G7 cho rằng Nga là một nhân tố làm suy yếu sự ổn định trên thế giới sau việc sáp nhập Crimea và tăng cường lực lượng ở biên giới Ukraine, cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Ông Kelin nhận định, những chỉ trích của G7 mang đầy định kiến, xung đột, thiếu bằng chứng và điều này chỉ đang kích thích tâm lý chống phương Tây của người Nga, đồng thời đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.
"Đây là một trò chơi nguy hiểm. Nga và Trung Quốc là những nhân tố tiềm năng lớn trong những lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, công nghệ, khả năng quân sự và chính trị với ảnh hưởng khắp thế giới", Đại sứ Nga nhận định.
"Chúng tôi không liên minh với Trung Quốc, tuy nhiên, việc đẩy Nga và Trung Quốc lại với nhau khiến chúng tôi ngày càng đoàn kết trước những thách thức mà phương Tây gây ra".
Các nhà lãnh đạo G7 sẽ họp Hội nghị Thượng đỉnh ở St Ives nằm ở khu vực Cornwall miền nam nước Anh từ ngày 11 - 13/6. Việc đối phó với Tổng thống Nga Putin được cho là sẽ nằm trong những chủ đề được thảo luận của hội nghị này.
Đại sứ Kelin cho biết Nga sẽ thúc đẩy các lợi ích địa chính trị của mình và nếu có những vấn đề cần được thảo luận thì đối thoại là cách tốt nhất.
"Tuy nhiên, G7 thích ngoại giao phát thanh hơn (megaphone diplomacy - dùng phương tiện truyền thông quốc tế đưa ra các tuyên bố, cảnh báo nhằm ép đối phương tuân theo quan điểm của mình - ND). Đây là một nhóm thể hiện các quan điểm về những chủ đề khác nhau nhưng lại không có căn cứ khi đưa ra phán xét về các quốc gia khác".
Nga đã được đưa vào nhóm các nước G8 năm 1997 dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin nhưng tư cách thành viên của nước này đã bị tạm dừng vào năm 2014 sau việc sáp nhập Crimea.
"Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc thảo luận về chủ đề này: Hãy mời Nga vào hoặc đừng để Nga vào G7. Tuy nhiên thật lạ là chúng tôi không hề hứng thú với việc một lần nữa trở thành thành viên của nhóm này. Theo quan điểm của chúng tôi, nhóm này đã mất đi quyền lực của nó".
"Nhóm này thật chia rẽ - nó có xu hướng phân chia thế giới thành bạn bè và những kẻ xa lạ: Họ muốn trao đổi về một liên minh để nhắm vào những quốc gia khác. Điều này không đưa đến giải pháp mà chỉ gây ra nhiều vấn đề hơn cho thế giới", ông Kelin cho hay.
Đại sứ Nga cũng khẳng định Nga dành sự quan tâm nhiều hơn đến các diễn đàn khác như G20, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và nhóm BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)./.