Chiến lược ngoại giao vaccine đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau
VOV.VN - Mục tiêu đưa vaccine ngừa Covid-19 của mình tới các nước phát triển trước khi phương Tây hành động đã giúp Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau chưa từng thấy.
Khi vaccine Sputnik V của Nga được vận chuyển đến các nước trên thế giới, có hàng trăm triệu liều được dán nhãn “Sản xuất tại Trung Quốc”.
Từ nhiều tháng qua, các công ty Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sản xuất hơn 260 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, loại vaccine đã được phê duyệt ở hơn 60 nước trên thế giới, trong đó phần lớn là các nước đang phát triển như Mexico, Ấn Độ và Argentina.
Các thỏa thuận mang tính biểu tượng này cho thấy mục tiêu vaccine quốc tế của Trung Quốc và Nga đang ngày càng liên kết với nhau, khi đôi bên đều đang trợ giúp những nước đang phát triển bị các đối tác phương Tây sao nhãng để tích trữ vaccine cho chính mình.
Nghiên cứu của Đại học Duke cho thấy trong khi một số nước như Canada, Anh và New Zealand đã thu mua số lượng vaccine gấp tới 3 lần dân số của mình, thì phần lớn các nước vẫn không có đủ vaccine cho một nửa dân số, trong đó có một số nước đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bobo Lo, một chuyên gia về quan hệ Nga-Trung, đồng thời là nhà ngoại giao từng làm việc tại Đại sứ quán Australia ở Moscow, nói rằng, cả Nga và Trung Quốc đều nhận thấy cơ hội gia tăng ảnh hưởng địa chính trị trong bối cảnh đại dịch.
Nắm bắt cơ hội từ cơn “khát” vaccine toàn cầu
Nga là nước đầu tiên tuyên bố đã sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 8/2020. Vaccine có tên Sputnik V được đặt theo tên của vệ tinh lịch sử mà nước này đã phóng lên quỹ đạo năm 1957.
Các nghi ngại ban đầu về hiệu quả đã tan biến khi một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới Lancet hồi tháng 2/2021, theo đó cho thấy hiệu quả ban đầu của vaccine Sputnik V đạt tới 91,6%.
Hiện tại, hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, cùng với các vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc, đang được vận chuyển đi khắp thế giới, mặc dù mới chỉ có vaccine Sinopharm được chấp nhận trong cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX do WHO dẫn đầu. Cả Sputnik V và Sinovac đều chưa được WHO phê duyệt.
Tại Mỹ Latin, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, các nước như Argentina và Chile đã đặt mua số lượng lớn vaccine của Nga và Trung Quốc để sử dụng trong chương trình tiêm chủng.
Theo ghi nhận của Đại học Duke, Argentina đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga và 4 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Argentina vẫn chưa đạt được hợp đồng mua vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer, mặc dù đã đặt hàng 23 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Indonesia, đồng minh lâu năm nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, cũng đã tìm tới Trung Quốc để đặt hàng vaccine Sinovac sau khi đơn đặt hàng AstraZeneca bị trì hoãn bàn giao thêm 1 năm do làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát ở Ấn Độ. Cho tới nay, Indonesia là nước mua nhiều vaccine Sinovac của Trung Quốc hơn bất cứ nước nào khác, với ít nhất 125 triệu liều.
Khách hàng lớn thứ 2 mua vaccine Sinovac là Thổ Nhĩ Kỳ, một “đối tác khu vực quan trọng” của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ mua 100 triệu liều vaccine do Trung Quốc sản xuất và bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1/2021, trong khi phải mất hơn 4 tháng sau đó vaccine của Pfizer mới được chuyển tới nước này. Ankara thậm chí còn đưa hàng trăm nghìn liều vaccine Sinovac còn dư tới Libya.
Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) hồi tháng 2 cho biết, nhu cầu đối với vaccine Sputnik V đã lên tới 2,5 tỷ liều. Trong khi đó, Sinopharm đã nhận được các đơn đặt hàng lên tới 500 triệu liều, theo Global Times. Sinovac được đề nghị cung cấp 450 triệu liều vacicne và đang lên kế hoạch chuyển giao công nghệ sản xuất cho 10 nước để hỗ trợ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Phần lớn các lô vaccine Nga và Trung Quốc được phân phối hiện nay là được bán chứ không phải tài trợ. Tuy nhiên, theo phân tích của Think Global Health, 63 trong số 65 nước mà Trung Quốc viện trợ vaccine đều tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc không chỉ sản xuất các loại vaccine do nước này phát triển, mà còn giúp sản xuất vaccine của Nga. Đến 19/4, có 3 công ty tư nhân Trung Quốc đạt được các thỏa thuận lớn với quỹ RDIF của Nga về việc sản xuất 260 triệu liều vaccine Sputnik V.
Việc Nga nhờ Trung Quốc sản xuất vaccine một phần là vì năng lực sản xuất tại Nga chưa đáp ứng đủ. Hồi tháng 1/2021, RDIF cảnh báo khả năng thời gian bàn giao vaccine Sputnik V cho các nước đã đặt hàng có thể bị muộn khoảng 3 tuần.
Khả năng của Trung Quốc trong việc sản xuất vaccine cho các nước khác, trong đó có Nga, một phần là do nước này đã kiểm soát được dịch Covid-19 trong phạm vi biên giới đồng thời đã nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất.
Hồi tháng 3/2021, Sinopharm công bố các kế hoạch sản xuất tới 3 tỷ liều vaccine/năm, biến công ty này trở thành nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới. Sinovac cũng đặt mục đích tăng công suất lên 2 tỷ liều/năm.
Quan hệ đối tác liệu có lâu bền?
Nga và Trung Quốc có mối quan hệ không mấy suôn sẻ trong thế kỷ trước, đặc biệt do những xung đột biên giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, 2 nước đã phát triển mối quan hệ gần gũi hơn dựa trên các lợi ích địa chính trị.
Năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Putin là “người bạn tốt nhất” trong khi ông Putin cũng nói rằng các mối quan hệ giữa đôi bên đang “ở mức chưa từng thấy”.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, khi Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov hồi tháng 4/2020 nói rằng 2 nước sẽ “bắt tay” chống lại kẻ thù chung “như đã từng làm trong Thế chiến thứ 2”,
Trong một bài viết triên China Daily ngày 7/4, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui nói rằng: “Thế giới càng thay đổi, càng hỗn loạn thì tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga cũng ngày càng quan trọng”.
Mối quan hệ hợp tác này đã làm dấy lên mối quan ngại đối với một số lãnh đạo phương tây. Trong một phát biểu hồi tháng 3/2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo Nga và Trung Quốc có thể tận dụng vaccine của mình để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước đang phát triển, trong một “cuộc chiến tranh thế giới hình thức mới”.
Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu tại Hội đồng đối ngoại của Mỹ nói rằng, rất nhiều nước đang phát triển đang “khát” vaccine. Tuy nhiên, theo ông Bollyky, dù chính phủ Mỹ lo ngại về ảnh hưởng chính trị mà Nga và Trung Quốc có thể giành được trong việc đưa vaccine của mình đi khắp thế giới, thì cuối cùng, “thế giới vẫn cần có nhiều vaccine hơn”.
“Mối lo ngại quy nhất của tôi đối với vaccine của Nga và Trung Quốc là họ vẫn chưa công bố các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng quan trọng để đánh giá về mức độ an toàn và hiệu quả”, ông nói.
Cựu nhà ngoại giao Bobo Lo nhận định rằng, khó có thể biết chính xác sự gần gũi hiện nay có duy trì lâu dài hay không, vì cả ông Tập và ông Putin xích lại gần nhau là do đối địch với phương Tây.
Thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang tăng cường tập trung xây dựng liên minh các nước bằng hữu để gia tăng sức ép đối với Trung Quốc và Nga.
“Về lâu dài, đối với cả Nga và Trung Quốc, Mỹ là một mối nguy hiểm rất rõ ràng”, ông nói.
Ngoại giao vaccine có đạt mục đích như kỳ vọng?
Nga và Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng họ theo đuổi chiến lược ngoại giao vaccine. Phát biểu tại một cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng cả 2 nước đều tham gia vào “công việc nhân đạo”.
“Không giống như một số nước lớn khác đang tích trữ vaccine vì lợi ích của chính mình, chúng tôi muốn có nhiều người được tiêm chủng. Hy vọng của chúng tôi là thế giới có thể đánh bại đại dịch càng sớm càng tốt. Đối với Nga và Trung Quốc, lựa chọn của chúng tôi không chỉ đem lại lợi ích cho chính mình, mà còn là để giúp cả thế giới”, ông Vương Nghị nói.
Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Virginia Commonwealth, bà Judyth Twigg nói rằng Nga và Trung Quốc đều biết họ có một cánh cửa hẹp để mời chào vaccine tới các nước đang phát triển trước khi các nước phương tây bắt kịp điều này.
Một số nhà lãnh đạo thế giới đã đặt câu hỏi về động cơ của Nga đằng sau việc triển khai vaccine Sputnik tới các nước đang phát triển.
“Chúng tôi vẫn không hiểu vì sao Nga đưa vaccine của mình tới các nước khác dù chiến dịch tiêm chủng cho người dân của chính họ vẫn chưa đủ tiến triển. Đây là câu hỏi cần có câu trả lời”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 2/2021.
Cho tới nay, mới chỉ có 5,9% dân số Nga được tiêm chủng đầy đủ. Trung Quốc cũng cho biết nước này đã thực hiện hơn 300 triệu mũi tiêm vaccine tính đến ngày 7/5, nhưng không rõ trong đó có bao nhiêu người được tiêm mũi thứ nhất hay bao nhiêu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Cho dù Nga và Trung Quốc có thể hợp tác để nhanh chóng đưa vaccine tới các nước đang phát triển, một số chuyên gia nghi ngờ điều này có thể đem lại lợi ích chính trị như kỳ vọng về lâu dài.
Giáo sư Twigg cho rằng, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu vẫn ở giai đoạn ban đầu và từ giờ cho đến khi đại dịch chấm dứt, hầu hết các nước đều sẽ phải tiêm chủng cho người dân của mình bằng nhiều loại vaccine do nhiều nước khác nhau sản xuất.
“Trong 1 hay 2 năm tới, ở những nơi mà [vaccine] Nga và Trung Quốc đến trước, tôi không nghĩ là sẽ còn nhiều người nhớ tới điều đó”, bà nói./.