G7 sẽ ra tuyên bố kêu gọi điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2
VOV.VN - Báo chí Anh đưa tin, lãnh đạo các nước G7 sẽ đưa việc kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 vào tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 11 đến 13/6 tại Anh.
Bản dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G7 bị rò rỉ ra báo chí cho thấy, lãnh đạo các nước G7 sẽ kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành một cuộc điều tra minh bạch mới về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Đầu năm 2021, nhóm chuyên gia của WHO đã tiến hành điều tra tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bùng phát đợt dịch đầu tiên và đưa ra một số giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, trong đó nhận định khả năng lớn nhất là virus đã lây lan từ động vật, nhiều khả năng là từ loài dơi, sang người qua một vật chủ trung gian. Nhóm điều tra của WHO cũng đánh giá giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ có ít khả năng”.
Tuy nhiên, dưới sức ép của chính quyền Mỹ, giả thuyết “virus lọt ra từ phòng thí nghiệm” đang được hâm nóng trở lại. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ra lệnh cho cơ quan tình báo nước này điều tra giả thuyết virus lọt từ phòng thí nghiệm và nộp báo cáo sau 90 ngày.
Ngoài Mỹ, nhiều nước phương Tây khác cũng lên tiếng đòi mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc virus. Trong sáng 10/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho rằng, cần điều tra nguồn gốc virus để tránh đại dịch trong tương lai.
Bà Leyen nói: “Thế giới đang trải qua một đại dịch khủng khiếp, vì thế chúng ta cần phải biết nó đến từ đâu, để qua đó rút ra các bài học đúng đắn và phát triển các công cụ hữu hiệu để đảm bảo điều đó sẽ không bao giờ diễn ra. Do đó, các nhà điều tra cần phải được tiếp cận toàn diện vào bất cứ điều gì cần thiết để tìm nguồn gốc của đại dịch này và dựa trên những điều tra đó, mới có thể kết luận”.
Tuy sức ép về điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đang ngày một lớn hơn nhưng giới ngoại giao cho rằng, Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 sẽ tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc cũng như giả thuyết “virus lọt ra từ phòng thí nghiệm”. Việc châu Âu ủng hộ ý tưởng mở một cuộc điều tra mới cũng được xem là có ý nghĩa biểu tượng vì châu Âu không trực tiếp can dự vào cuộc điều tra này.
Ngoài vấn đề điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2, G7 dự định cũng sẽ ra thông báo về việc tài trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước trên thế giới trong năm 2022./.