Giáo hoàng mang thông điệp hòa bình và đoàn kết tôn giáo đến Ai Cập
VOV.VN - Chuyến thăm của Giáo hoàng được đánh giá là đã truyền tải được thông điệp hòa bình và đoàn kết tôn giáo đến với người dân Ai Cập và thế giới Hồi giáo.
Ngày 29/4, Giáo hoàng Francis đã kết thúc chuyến thăm kéo dài 27 giờ tại Ai Cập.
Kết quả chuyến thăm
Sau lễ đón chính thức tại sân bay Cairo vào chiều ngày 28/4, Giáo hoàng Francis đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi, người đứng đầu Viện Hồi giáo Al-Azhar - Đại Imam Ahmed El-Tayeb, và Giáo chủ chính thống Cơ đốc giáo (Coptic) Tawadros II, đến thăm một số Nhà thờ ở Cairo, trong đó có Nhà thờ Thánh Peter và Paul – nơi từng xảy ra vụ đánh bom khủng bố đẫm máu hồi tháng 12 năm ngoái khiến 24 người thiệt mạng và ít nhất 45 người khác bị thương…
Tại cuộc gặp với Tổng thống Al-Sisi, cùng đại diện các tầng lớp xã hội Ai Cập và ngoại giao đoàn các nước, Giáo hoàng Francis đã nhắc đến vai trò quan trọng của Ai Cập trong lịch sử và mối quan hệ với giáo hội Kito. Lịch sử cho thấy, chúa Jesus và hầu hết các nhà tiên tri đã đến Ai Cập để ẩn náu và xem đây là vùng đất của sự bình an.
Giáo hoàng Francis và Tổng thống Al-Sisi. |
Giáo hoàng ca ngơi Ai Cập hiện là nơi cưu mang của hàng triệu người tị nạn đến từ các quốc gia bị khủng hoảng như Syria, Iraq, Eritrea và Nam Sudan; đồng thời ủng hộ những sáng kiến của chính quyền Ai Cập nhằm đem lại sự bình an cho mọi người dân.
Về nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng tại khu vực như hiện nay, Giáo hoàng Francis cho rằng, việc này bắt nguồn từ sự tranh đua quyền lực chính trị, nạn buôn bán vũ khí, những vấn đề xã hội trầm trọng, cũng như các thế lực cực đoan, khủng bố lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để thực hiện bạo lực và bất công.
Về phần mình, Tổng thống Al-Sisi đã hoan nghênh và chào đón Giáo hoàng Francis như một khách mời thân thiết, một nhà lãnh đạo tinh thần cho toàn thể người dân trên thế giới. Ông Sisi cho rằng, hợp tác giữa Ai Cập và Tòa thánh Vatican sẽ góp phần vào việc thúc đẩy nền hòa bình ở khu vực, khẳng định Ai Cập đang đi tiên phong trong nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới trong việc ngăn chặn các hoạt động tuyển dụng, nguồn tài chính, và phá hủy các căn cứ, tổ chức của khủng bố.
Phát biểu tại buổi kết thúc Hội thảo hòa bình do Viện Al-Azha tổ chức (từ 27-28/4), Giáo hoàng Francis khẳng định, đây là thời điểm để các tôn giáo thực hiện lời kêu gọi vì hòa bình, bình đẳng và nhân phẩm cho tất cả mọi người.
Ông phủ nhận sự liên quan giữa Hồi giáo với khủng bố, như việc Do Thái giáo với sự chiếm đóng vùng lãnh thổ của người Palestine, hay cuộc Thập Tự Chinh của Kito giáo trước đây. Trong khi đó, Đại Imam của Viện Al-Azha giải thích, khái niệm thánh chiến Hồi giáo (Jihad) nên được hiểu là “phòng thủ, không gây hấn”, trong khi hành động tấn công chỉ là để phản ứng đối với các “cuộc xâm lược”.
Dư luận
Báo chí Ai Cập và khu vực cho rằng, mục đích chuyến thăm của Giáo hoàng Francis là nhằm đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Tòa thánh Vatican, đồng thời truyền tải thông điệp rằng, Hồi giáo cũng như các tôn giáo khác, cùng chia sẻ các nguyên tắc về tình yêu thương và chung sống hòa bình. Chuyến thăm cũng khẳng định được vai trò quan trọng của Ai Cập trong cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, cụ thể là giữa Kito giáo và Hồi giáo, qua đó xây dựng cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.
Cuộc gặp giữa Giáo hoàng Francis và Đại Imam mang tính chất đối thoại phức tạp giữa hai tôn giáo. Được biết, mối quan hệ giữa Viện Al-Azha và Vatican đã bị gián đoạn trong nhiều năm sau khi Al-Azha đơn phương cắt đứt quan hệ nhằm phản đối tuyên bố có ý xúc phạm người Hồi giáo của cố Giáo hoàng Benedict – XVI vào năm 2006.
Tiếp theo, vào năm 2011, Tòa thánh Vatican đã lên tiếng chỉ trích cộng đồng Hồi giáo tại Ai Cập sau vụ tấn công nhằm vào người Coptic ở quốc gia này, khiến cho Viện Al-Azha hết sức bất bình. Cho đến tháng 5 năm ngoái, mối quan hệ này mới dần được cải thiện khi Giáo hoàng Francis bắt đầu có cuộc gặp với Đại Imm El-Tayeb tại Tòa thánh Vatican.
Hồi tháng 2 vừa qua, hai bên đã thông qua thỏa thuận hợp tác về chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại Cairo; đưa ra một số khuyến nghị về thúc đẩy cuộc đối thoại giữa hai bên; giải pháp cho các tác nhân gây ra chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, như: nạn nghèo đói, mù chữ, việc diễn giải sai về học thuyết tôn giáo…
Theo đánh giá của một số nhà thần học, Công giáo Coptic ở Ai Cập và Lebanon hiện là hai nhóm cộng đồng duy nhất ở Trung Đông “còn tồn tại” bởi các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, sự bất ổn chính trị hay khủng hoảng kinh tế. Cho đến nay, Công giáo Coptic Ai Cập chỉ chiếm ít hơn 10% dân số, tương đương khoảng 6 triệu tín đồ, nhưng lại là cộng đồng Công giáo tồn tại lâu đời nhất và cũng là lớn nhất trong Arab và Trung Đông.
Tuy nhiên, cộng đồng này đã và đang trở thành mục tiêu chủ yếu của làn sóng tấn công khủng bố. Theo thống kê, đã có ít nhất 4 vụ đánh bom lớn nhằm vào các Nhà thờ Coptic tại Ai Cập kể từ khi xảy ra cuộc chính biến vào năm 2011. Các vụ đánh bom gần đây cũng được mô tả như các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu “đối thoại và hòa bình” của Giáo hoàng Francis.
Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis cũng được cho là sẽ giúp thúc đẩy ngành du lịch tại Ai Cập. Theo đó, chuyến thăm sẽ khuyến khích 1,13 tỉ tín đồ Công giáo trên thế giới đến với Ai Cập. Chính phủ Ai Cập kỳ vọng chuyến thăm sẽ thúc đẩy ngành du lịch tăng lên khoảng 30 đến 40% trong tháng 6 và tháng 8 tới, vào thời điểm người dân Italy nghỉ lễ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để kỳ vọng về sự thay đổi tích cực trong ngành du lịch Ai Cập sau chuyến thăm của Giáo hoàng Francis./.