Hạ viện trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama
VOV.VN -Ngày 18/6, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh dành cho Tổng thống.
TPA được thông qua với tỷ lệ 218 phiếu thuận và 208 phiếu chống. Tuy nhiên, dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA), điều khoản quan trọng trong TPA lại chưa được Hạ viện đưa ra bỏ phiếu.
Tòa nhà Hạ viện Mỹ ở đồi Capitol ở Washington (ảnh: Reuters) |
Dự kiến vào 30/7 tới, Hạ viện mới tiến hành bỏ phiếu về TAA.
Theo quy định, gói dự luật TPA chỉ có thể được đưa lên bàn Tổng thống để ký thành luật sau khi Hạ viện phê chuẩn cả dự luật TPA và TAA. TAA, dự luật nhằm hỗ trợ và đào lại nhân công bị mất việc làm do ảnh hưởng của các thỏa thuận thương mại đã bị Hạ viện bác bỏ hôm 12/6.
Phần lớn các hạ nghị sỹ Dân chủ và nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã bỏ phiếu chống với lý do dự luật này không đủ để hỗ trợ người lao động Mỹ cũng như để phản đối đề xuất cắt 700 triệu USD trong khoản ngân sách 2,6 tỷ USD tiền bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi (Medicare) để hỗ trợ cho chương trình TAA.
Việc Hạ viện bác bỏ dự luật TAA được xem là một đòn nặng đối với Tổng thống Obama, người đã đích thân tới Quốc hội Mỹ trước thời điểm bỏ phiếu để thuyết phục các nghị sỹ đảng Dân chủ.
Quyền đàm phán nhanh (TPA) là một công cụ thiết yếu để Mỹ và 11 quốc gia khác có thể sớm hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng thống Obama đang dồn toàn lực để thuyết phục các nghị sỹ của Đảng Dân chủ ủng hộ trao cho ông TPA và TAA. Việc TPA được thông qua sẽ mở đường cho Tổng thống Obama toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác. Sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, chứ không có quyền sửa đổi hay bổ sung các điều khoản của hiệp định./.