Hàn Quốc: Triều Tiên có đủ Plutonium để chế tạo 10 quả bom hạt nhân
VOV.VN - Hàn Quốc ngày 11/1 cho biết, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có đủ Plutonium để chế tạo 10 quả bom hạt nhân.
Tuyên bố của Hàn Quốc đưa ra một tuần sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết nước này đang tiến gần đến việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ. Nhật Bản và Mỹ cho biết cũng đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tình hình tại Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn Sách trắng quốc phòng năm 2016 của Hàn Quốc đánh giá, Triều Tiên gần đây đã đạt được những bước tiến “đáng kể” trong việc tăng cường khả năng hạt nhân như lượng nguyên liệu và công nghệ thu nhỏ đầu đạn.
Động cơ của một tên lửa đạn đạo liên lục địa được kiểm tra tại tỉnh Bắc Pyongan, Triều Tiên. (Ảnh: KCNA). |
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đến cuối năm 2016, Triều Tiên có thể sở hữu 50kg Plutonium cấp độ vũ khí đủ để chế tạo 10 quả bom hạt nhân. Triều Tiên cũng có khả năng đáng kể trong việc sản xuất vũ khí dựa trên lượng Uranium được làm giàu cao. Viện nghiên cứu an ninh quốc tế và khoa học của Mỹ vào tháng 6 vừa qua cũng ước tính, tổng cộng kho vũ khí của Triều Tiên có hơn 21 quả bom, tăng so với mức 10 đến 16 vũ khí trong năm 2014, dựa trên mức ước tính Plutonium và Uranium.
Tuy nhiên, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên chưa làm chủ được các công nghệ liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và hiện đang trong quá trình hoàn thiện khả năng bay của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn đến lãnh thổ của Mỹ. Mặc dù có nhiều phân tích khác nhau về khả năng hạt nhân của Triều Tiên, nhưng tất cả các nước đều khẳng định Triều Tiên đang có những bước tiến lớn gần đây.
Theo Yonhap, đây cũng là lần đầu tiên Hàn Quốc sử dụng thuật ngữ bom hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) trong Sách trắng quốc phòng, điều này phản ánh sự phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang nổi lên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh. Bán đảo Triều Tiên dậy sóng, Mỹ tuyên bố tăng sức ép với Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho rằng, lời cảnh báo phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên là một hành động khiêu khích và khẳng định Triều Tiên sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nếu thực hiện tuyên bố của mình.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun cho biết: “Các hành động khiêu khích và cảnh báo của Triều Tiên bao gồm việc phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là một hành động hủy hoại hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế. Nếu Triều Tiên không quan tâm đến các cảnh báo và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sức ép của cộng đồng quốc tế”.
Mỹ và Nhật Bản cũng đang có những đánh giá và theo dõi tình hình chặt chẽ trên bán đảo Triều Tiên. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 11/1 cho biết, Nhật Bản vẫn đang thu thập thông tin và phân tích thông tin về chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, cũng như làm mọi cách để cảnh báo Triều Tiên.
Phát biểu trong buổi họp báo cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Mỹ Ash Carter ngày 10/1 cũng nhấn mạnh, cần giám sát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, song không cần hành động. Theo ông Carter, việc giám sát vụ phóng thử tên lửa sẽ mang lại 2 lợi thế cho quân đội Mỹ, bảo toàn được hệ thống phòng thủ và thu thập thông tin tình báo về vụ phóng./. Mỹ có thể không bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên