Hạt nhân Triều Tiên và vấn đề xây dựng lòng tin

Để đạt được mục tiêu tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, điều quan trọng là phải khỏa lấp được hố sâu nghi kị giữa các bên

Ngày 1/3, báo chí phương Tây đồng loạt đưa tin CHDCND Triều Tiên chấp nhận dừng chương trình hạt nhân, dừng thử nghiệm tên lửa tầm xa và cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc trở lại Bình Nhưỡng để đổi lấy viện trợ. Động thái này được cho là tín hiệu tích cực mới nhất mở ra một chương mới trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã xác thực thông tin này.

Các nhân viên đang chất gạo viện trợ cho vùng bị lũ lụt của Triều Tiên lên tàu ở một cảng phía nam Seoul, Hàn Quốc, năm 2010 (Ảnh minh họa)

Trong khi dư luận thế giới nhận định, đây là thông tin tốt lành nhất mà người ta thấy được từ phía CHDCND Triều Tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, đặc biệt khi các quan điểm của nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un đều được cho là không có gì thay đổi so với cha mình, thì những bên liên quan gồm Mỹ và các đồng minh lại tỏ ra khá thận trọng. Đối với Mỹ, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong một chuỗi các điều kiện cần có, và Mỹ sẽ cần phải xem xét thận trọng về các bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng.

Nhưng việc thực hiện các bước đi tiếp theo này lại không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào phía Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan. Đơn giản là vì, việc dừng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện mà một trong những điều kiện cụ thể ở đây là đánh đổi lấy 240.000 tấn gạo cung cấp “dinh dưỡng” từ phía Mỹ. 240.000 tấn gạo không phải là bài toán kinh tế lớn đối với Mỹ, song điều quan trọng là hai bên xây dựng lòng tin xung quanh điều kiện trao đổi này.

Kể từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi vòng đàm phán 6 bên gồm CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi một cách đáng lo ngại. Trong khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng liên tục chỉ trích Washington là “kẻ gây rối” trong khu vực vì đã biến Hàn Quốc thành “kho hạt nhân lớn nhất ở khu vực Viễn Đông”. Triều Tiên đã tái thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, tiến hành tái chế plutoni ở mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Mỹ không hề thay đổi các chính sách cứng rắn với Triều Tiên. Chính sự cứng rắn này cũng khiến Mỹ đang tự đánh mất các cơ hội đàm phán với Triều Tiên và phá hỏng một số thành quả mà chính phủ tiền nhiệm đã đạt được trong vấn đề này.

Chính trong lúc bế tắc như vậy, đã đến lúc cả Mỹ và Triều Tiên nhận ra rằng, “mềm dẻo hơn” trong quan hệ song phương sẽ là tiền đề để tiến tới các vòng đàm phán đa phương. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.

Còn nhớ, dưới thời cố nhà lãnh đạo Kim Jong-il, câu chuyện đổi chác giữa hạt nhân và kinh tế giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đã từng diễn ra. Song lúc đó, rất nhiều cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt bởi Mỹ và Triều Tiên luôn tranh cãi về việc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước hay Washington phải cung cấp viện trợ và các đảm bảo an ninh trước. Và lần này liệu có thể có ngoại lệ hay không? Bên nào sẽ nhường bước trước? 

Rõ ràng, Mỹ và Triều Tiên đang thể hiện mong muốn khai thông bế tắc hạt nhân. Việc mở lại các vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên khả năng sẽ nhanh chóng được nối lại sau các động thái tích cực này. Tuy nhiên, trở lại bàn đàm phán sáu bên mới chỉ là bước đi tiên quyết, song điều quan trọng hơn là phải khỏa lấp được hố sâu nghi kị giữa Washington và Bình Nhưỡng nếu không quan hệ giữa hai bên sẽ luôn rơi vào trạng thái “ông có chân giò, bà thò chai rượu” mà thôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên