Hậu Brexit: Anh có nên rút ngay khỏi EU hay không?
VOV.VN - Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, một câu hỏi được đặt ra là liệu Anh nên rút ngay khỏi EU hay nên làm điều này một cách cẩn trọng?
Theo CSM, đây là câu hỏi không chỉ khiến lãnh đạo Anh mà còn khiến cả giới chức EU “đứng ngồi không yên” sau kết quả trưng cầu dân ý đầy bất ngờ ở phía Tây eo biển Manche cuối tuần qua.
Bản thân các nước thành viên EU cũng đang chia rẽ gay gắt về việc cần phải hành xử như thế nào trong “cuộc chia ly” chưa từng có tiền lệ trong lịch sử khối.
EU liệu có sớm mất "mảnh ghép" Anh sau Brexit? Ảnh: AP |
Châu Âu muốn chia tay Anh sớm nhất có thể
Dù vậy, tâm lý của các nhà lãnh đạo EU hiện tại là rất rối bời nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức và đồng Bảng Anh “tuột dốc không phanh” sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được cho là quan chức hàng đầu của EU phụ trách việc đàm phán Anh tách khỏi EU cũng lên tiếng kêu gọi các bên cần xem xét kỹ lưỡng việc này.
Tuy nhiên, 6 nước sáng lập EU- những nước đang cảm nhận rõ nhất tác động về kinh tế và chính trị sau “cú sốc” Brexit- khăng khăng cho rằng, Anh cần phải phải giải quyết gọn ghẽ việc này.
“Tôi muốn chuyện này diễn ra ngay lập tức”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker chia sẻ trên truyền hình Đức: “Tôi không hiểu sao Chính phủ Anh lại cần đến tận tháng 10 mới quyết định xem có gửi “đơn xin ly hôn” đến Brussels hay không”.
Hậu trưng cầu ý dân: Nước Anh rối bời còn EU cứng rắn
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là bởi, Anh là quốc gia đầu tiên trong EU làm điều này trong suốt lịch sử 60 năm của khối và hiện chưa ai biết sẽ phải hành động nhanh là như thế nào.
Thiếu sót “chết người” từ Điều 50 Hiệp ước Lisbon
Mặc dù vậy, họ vẫn viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, trong đó mô tả chi tiết cách thức các quốc gia thành viên có thể rời khỏi Liên minh châu Âu.
Theo đó, Điều 50 quy định: “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh theo trình tự quy định bởi Hiến pháp của mình”. Ngoài ra, “lãnh đạo một nước thành viên muốn rời khỏi khối phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo các nước thành viên hiện do ông Donald Tusk đứng đầu) về thời điểm thực thi Điều 50 thì tiến trình pháp lý liên quan mới chính thức được khởi động sau thời điểm đó”.
“Không có cơ chế nào buộc một quốc gia phải thực hiện ngay lập tức Điều 50”, Giáo sư Kenneth Armstrong giảng dạy về Luật châu Âu tại Đại học Cambridge chia sẻ: “Điều 50 cho phép quốc gia đó được quyết định việc rút lui của mình nhưng sẽ không có một quốc gia hay một bên nào khác có thể áp đặt lộ trình thực thi điều này lên chính quốc gia đó”.
Theo Giáo sư Armstrong, một quốc gia thành viên có thể bị đuổi ra khỏi khối nếu vi phạm những quyền cơ bản của EU theo Điều 7 của Hiệp ước Lisbon. Đây được coi là “giải pháp then chốt” để EU đẩy Anh ra khỏi khối, tuy nhiên, cho đến nay, Anh chưa làm điều gì vi phạm các quy định của EU.
“Dù việc trì hoãn rời khỏi EU là một kết quả không hề được mong đợi về mặt chính trị nhưng về mặt pháp lý, không có quy định nào buộc một quốc gia phải tự rút khỏi liên minh cả”, Giáo sư Armstrong nói thêm.
Nước Anh chia tay Châu Âu-Cú đấm trực diện giúp EU tìm lại chính mình?
Châu Âu giục giã, Anh vẫn “bình chân như vại”
Không khó hiểu vì sao, các quốc gia sáng lập EU như Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Luxembourg và Hà Lan lại muốn giải quyết những khúc mắc liên quan đến việc Anh rời khỏi EU càng nhanh càng tốt.
“EU có rất nhiều thách thức nghiêm trọng khác cần quan tâm như cuộc khủng hoảng người nhập cư, nền kinh tế Hy Lạp hay các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến tình hình Ukraine”, hai nhà bình luận hàng đầu của tờ Times là Steven Erlanger and Dan Bilefsky chia sẻ.
“Các nhà lãnh đạo EU- những người theo dõi sát sao cuộc bầu cử ở Tây Ban Nha cuối tuần qua và ở Đức và Pháp trong năm tới đều muốn giải quyết “cuộc ly hôn với Anh” sớm nhất có thể để có thể chứng tỏ với cử tri của mình rằng, Brussels vẫn đang đi đúng hướng”, hai người này nói thêm.
Trước cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron vào ngày 28/6, các Ngoại trưởng các nước sáng lập EU đã họp khẩn tại Berlin ngày 25/6 để lên tiếng về việc cần giải quyết dứt điểm vấn đề Brexit như thế nào.
Dự kiến, trong cuộc gặp với ông Cameron, các Ngoại trưởng EU sẽ yêu cầu ông Cameron “đứng sang một bên” để họ có thể trao đổi về quá trình Anh rời khỏi EU với một nhà lãnh đạo mới.
Tuy nhiên, bản thân ông Cameron và người dân Anh vẫn chưa hết sốc vì những hệ lụy chính trị và kinh tế mà cuộc trưng cầu dân ý về Brexit gây ra. Nếu ông Cameron giữ lời, nước Anh sẽ chỉ có người thay thế ông vào tháng 10 tại Đại hội Đảng Bảo thủ và đến tận lúc đó Điều 50 của Hiệp ước Lisbon mới bắt đầu được vận dụng.
Châu Âu rúng động trước việc cử tri Anh chọn Brexit
Bản thân Boris Johnson, thủ lĩnh phong trào đòi Anh rời khỏi EU và nhiều khả năng sẽ trở thành người kế nhiệm ông Cameron cũng đã lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận thận trọng của ông Cameron. Theo ông Johnson, Anh không việc gì phải vội rời bỏ EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tuyên bố một cách đầy ngoại giao sau tuyên bố của ông Johnson: “Việc này sẽ không mất quá nhiều thời gian nhưng tôi sẽ không tranh đấu để nó diễn ra trong một thời gian quá ngắn. Việc đàm phán cần phải diễn ra trong không khí thân thiện và chuyên nghiệp”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người sẽ trở thành quan chức Mỹ đầu tiên đến cả London và Brussels sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit cũng chia sẻ điều này: “Điều quan trọng nhất là tất cả các nhà lãnh đạo cần hợp tác chặt chẽ để quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ nhất có thể”./.