Hé lộ 4 kịch bản tương lai cho Nga và Ukraine sau 6 tháng giao tranh
VOV.VN - Ông Steve Ganyard, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, 4 kịch bản có thể xảy ra đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine trong thời gian tới.
Ngày 24/8 đánh dấu tròn 6 tháng cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Từ dấu mốc đầu tiên – thời điểm Nga phát động các cuộc tấn công chớp nhoáng ở phía Bắc và phía Đông Ukraine vào tháng 2 vừa qua, xung đột hiện giờ đã trở thành cuộc chiến tiêu hao mà không bên nào giành chiến thắng.
Những yếu tố quyết định đối với cuộc xung đột
Phát biểu với ABC News, ông Steve Ganyard, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng: “Ở giai đoạn này, cả Nga và Ukraine dường như đang thua cuộc. Vấn đề quan trọng là ai sẽ là bên thua trước và ai sẽ là bên thua cuối cùng”.
“Rất khó để dự đoán cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, có thể vài tháng hoặc vài năm. Tiến độ giao tranh diễn ra rất chậm chạp. Không bên nào có khả năng tiến hành các cuộc tấn công lớn”, ông Ganyard nói.
Để dự đoán giao tranh sẽ diễn ra trong bao lâu cần phải xem xét rất nhiều yếu tố. Đối với Nga, việc điều chuyển quân trên bộ để giữ vững những vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được là cả một thách thức vì quá trình tuyển mộ nhân sự rất phức tạp, chuyên gia này lưu ý.
Quân đội Nga vẫn chưa cập nhật con số thương vong chính thức kể từ cuối tháng 3. Hồi đầu tháng 8, một quan chức quốc phòng Mỹ ước tính, ít nhất 70.000 người Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến sự bắt đầu. Phát biểu với báo chí, ông Colin Kahl, Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Có rất nhiều sương mù trong chiến tranh, nhưng tôi cho rằng, con số thương vong về phía quân đội Nga có thể vào khoảng 70.000 đến 80.000 người trong vòng chưa đầy 6 tháng”.
Theo ông Steve Ganyard, Tổng thống Putin đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tuyển dụng các quân nhân đủ tiêu chuẩn để tham chiến ở Ukraine vì ông đã không ban bố lệnh tổng động viên.
Số binh sỹ thương vong chính thức của Ukraine trong 6 tháng qua cũng chưa được công bố, nhưng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tiết lộ con số này có thể lên đến hàng nghìn người.
Ông Ganyard lưu ý, đối với Ukraine, sự hỗ trợ liên tục từ phương Tây sẽ là chìa khóa quan trọng, trong đó phải kể đến việc cung cấp các vũ khí chính xác cao như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo này để nhằm vào các kho đạn dược và tuyến tiếp tế của Nga ở sau chiến tuyến.
“Khả năng tấn công chính xác vào các trụ sở chỉ huy, kho tiếp nhiên liệu cho phép Ukraine làm tiêu hao các nguồn cung cấp mà Nga sử dụng để tiếp tục hoạt động chiến đấu. Diễn biến mới này là điều chưa từng có tiền lệ trong suốt cuộc xung đột”, ông Ganyard nhận định.
“Cho đến thời điểm hiện tại, xung đột về cơ bản là một cuộc chiến pháo binh chống lại pháp binh. Hiện giờ Ukraine đã có khả năng tấn công tầm xa, có thể nhắm chính xác vào các tọa độ. Điều đó mang lại cho họ lợi thế về mặt tấn công”.
Tuy vậy, khi xung đột kéo dài, nhiều khả năng sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ suy yếu do tác động của cuộc chiến, chẳng hạn như lạm phát gia tăng, suy thoái kinh tế hay thiếu hụt năng lượng – viễn cảnh mà châu Âu sẽ phải đối mặt trong những tháng tới.
Việc Nga, Ukraine và châu Âu có thể chống chịu được tác động trong bao lâu cũng sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định tương lai của cuộc chiến. Ông Ganyard nhấn mạnh: “Khi cả hai nền kinh tế đều đạt đến giới hạn chịu đựng, khi quân đội 2 nước đều bị trừng phạt và suy yếu, thì câu hỏi tiếp theo sẽ là bên nào có thể đứng vững và bên nào sẽ thua trước”.
Sau khi xem xét tất cả các yếu tố nêu trên, chuyên gia này cho rằng, một số kịch có thể diễn ra trong thời gian tới.
Nga giành quyền kiểm soát toàn bộ Donbass, Ukraine từ bỏ lãnh thổ
Theo ông Ganyard, kịch bản có lợi nhất cho Nga là quân đội nước này liên tục đạt được các bước tiến lớn ở Donbass và giữ vững những vùng đất họ đã chiếm được trước các cuộc tấn công của Ukraine. Nếu Ukraine không có đủ vũ khí để đẩy lùi Nga hoặc không thể cầm cự trong bối cảnh nền kinh tế đang suy yếu, họ sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
“Nơi mà Nga đang đẩy mạnh cuộc tiến công, từ phía Đông sang phía Tây, được coi là giỏ bánh mì của Ukraine. Khu vực này không chỉ là nơi tập trung hầu hết các ngành công nghiệp mà còn có những cánh đồng rất trù phú, mang lại lợi ích lớn cho nông nghiệp. Tất cả hàng hóa đều được vận chuyển qua sông Dnipro. Nếu Nga có thể giành quyền kiểm soát khu vực đó, họ chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Ukraine sụt giảm một nửa”.
Ukraine giành lại lãnh thổ ở Donbass, Nga chấm dứt chiến dịch quân sự
Nếu Ukraine giành lại một số vùng lãnh thổ ở Donbass mà các lực lượng Nga chiếm giữ kể từ khi giao tranh nổ ra thì có thể gây sức ép buộc Tổng thống Putin phải tìm cách chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt.
“Nếu quân đội Nga thua cuộc và bắt đầu gánh chịu những tổn thất nặng nề hơn, nếu Ukraine có thể giành lại những phần lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát thì đến một lúc nào đó, Tổng thống Putin có thể quyết định dừng chiến dịch quân sự, tuyên bố Nga đã đạt được mục tiêu để tránh phải mất đi số lượng lớn binh sỹ và khí tài quân sự”.
Ukraine giành lại lãnh thổ ở Donbass, Nga phản ứng quyết liệt hơn
Nhà phân tích Ganyard cho rằng, quân đội Nga cũng có thể gia tăng hoạt động quân sự, với các đòn tấn công mạnh mẽ hơn, trong trường hợp bị mất những vùng lãnh thổ họ đã giành được kể từ khi xung đột bắt đầu.
“Người Ukraine càng giành được nhiều lợi thế thì tình hình lại càng trở nên nguy hiểm hơn vì Nga có thể phản ứng theo cách gây leo thang xung đột để giảm leo thang (escalates to de-escalate). Thuật ngữ này chúng ta đã từng nghe trong quá khứ và thường ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường”.
“Nếu Ukraine tiếp tục đạt được những bước tiến lớn, câu hỏi đặt ra là ông Putin sẽ làm gì để cứu lấy vị thế của Nga. Liệu ông có thực hiện hành động gây chấn động dư luận quốc tế để buộc Ukraine phải đầu hàng sớm hay không?”.
Ukraine đẩy mạnh tiến công về phía Nam, gây sức ép lớn với Nga
Thành phố cảng Kherson ở phía Bắc bán đảo Crimea là thành phố đầu tiên Nga giành quyền kiểm soát sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2. Thành phố này là chìa khóa giúp Ukraine tiếp cận Biển Đen và vận chuyển hàng hóa. Chuyên gia Ganyard cho rằng, nếu Ukraine thực hiện thành công cuộc phản công ở Kherson và tiếp tục đe dọa Crimea, thì có thể mang lại lợi thế cho họ trên bàn đàm phán. "Tổng thống Ukraine Zelensky nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép với Tổng thống Putin, chẳng hạn như đe dọa làm gián đoạn nguồn cung nước ngọt cho bán đảo Crimea”, ông Ganyard lưu ý.
“Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về ý định của các bên. Khi thời tiết chuyển sang mùa Thu và mùa Đông, việc di chuyển binh sỹ và phương tiện gặp nhiều khó khăn hơn do các con đường lầy lội, nhiều khả năng sẽ có một số cuộc đàm phán. Nhưng ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cả Nga và Ukraine sẽ giảm tần suất các hoạt động quân sự”, ông Ganyard nhận định./.