Hệ thống tên lửa nào có khả năng bắn hạ máy bay MH17?
VOV.VN - Một quan chức Mỹ cho rằng một quả tên lửa đất đối không đã bắn trúng máy bay MH17 của Malaysia bay trên bầu trời Ukraine ngày 18/7.
Theo ABC News, thông tin trên có thể giải đáp một phần thắc mắc về thảm kịch nói trên. Tuy nhiên, nó cũng để lại hai dấu hỏi lớn: Nếu điều này là sự thật thì ai đã bắn quả tên lửa và liệu máy bay MH17 có thực sự là mục tiêu của những kẻ thực hiện vụ phóng tên lửa nói trên?
Quan chức Ukraine cho biết, họ nghi ngờ rằng một hệ thống tên lửa đất đối không do Nga thiết kế chính là thủ phạm gây ra vụ máy bay MH17 rơi và đổ lỗi cho lực lượng ly khai mà họ cho là được Nga huấn luyện đã bắn rơi chiếc máy bay nói trên.
Quan chức tình báo Mỹ cho biết họ đang thu thập thông tin về vụ tai nạn nói trên. Tuy nhiên, họ đã từ chối bình luận về việc rằng ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc này và hiện vẫn chưa rõ liệu quả tên lửa này được phóng từ lãnh thổ của Nga hay Ukraine.
Hiện tại có rất nhiều hệ thống tên lửa đang nằm trong vòng nghi vấn.
Một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Kiev ngày 18/7 cho biết các nhà phân tích quân sự Ukraine tin rằng hệ thống tên lửa SA-17 Grizzly (còn gọi là BUK-M2) do Nga sản xuất có thể đã được sử dụng trong vụ này.
“Nếu điều này là sự thực thì nó sẽ gây ra tình trạng leo thang căng thẳng nghiêm trọng”, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Kiev nêu rõ. Đại sứ quán Mỹ cũng mô tả hệ thống tên lửa SA-17 là “một hệ thống cực kỳ phức tạp đòi hỏi một loạt thiết bị radar và thiết bị điều khiển”.
Hệ thống tên lửa SA-17 Grizzly là một trong những hệ thống mới nhất thuộc dòng tên lửa đất đối không tầm trung BUK của Nga. Không giống như hệ thống rocket vác vai MANPAD với tầm bắn hạn chế, hệ thống tên lửa SA-17 là một hệ thống lớn, cơ động có thể được phóng từ các thiết bị vận tải quân sự và có thể đạt được độ cao tới hơn 30.000m, thừa đủ để bắn vào một máy bay thương mại đang bay ở độ cao thông thường.
Được thiết kết bởi quân đội Nga, hệ thống SA-17 được cho là niềm tự hào của Moscow và đã từng được tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ trong Ngày Chiến thắng của Nga.
Trước khi thiết kế hệ thống tên lửa SA-17, Nga đã từng phát triển hệ thống tên lửa SA-11 Gadfly (còn gọi là BUK-M1) mà cả quân đội Nga và Ukraine đã từng sử dụng. Dù không quá phức tạp, hệ thống SA-11 vẫn hoàn toàn có thể bắn trúng một máy bay dân sự đang bay, Biên tập viên Doug Richardson của tạp chí IHS Jane’s Missiles and Rockets cho biết.
Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng có một hệ thống tên lửa đất đối không cố định “có thể dễ dàng bắn hạ một mục tiêu bay ở độ cao trên 30.000m”. Tuy nhiên, ông Richardson nhấn mạnh những người điều khiển hệ thống tên lửa này “thường có hiểu biết rất rõ về tình trạng không lưu tại khu vực này vì thế họ khó có thể nhầm lẫn một máy bay dân sự với một máy bay quân sự”.
Ukraine đã phủ nhận trách nhiệm trong vụ này dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố “tai nạn xảy ra tại không phận nước nào thì nước đó phải chịu trách nhiệm” bởi “thảm kịch này sẽ không xảy ra nếu vùng đất đó đang có hòa bình”.
Trong khi đó Cơ quan An ninh Ukraine lại cho phát một đoạn ghi âm mà họ cho rằng họ đã nghe lén được đoạn hội thoại giữa những người thuộc lực lượng ly khai tại Miền Đông Ukraine trong đó nói rằng chính lực lượng này đã gây ra vụ tai nạn nói trên.
Mặc dù vậy, lực lượng ly khai cũng phủ nhận trách nhiệm trong vụ này và tuyên bố họ không có loại vũ khí cần thiết để bắn hạ máy bay MH17./.