Hộ chiếu vaccine Covid-19: Phao cứu sinh hay nguồn cơn câu chuyện bất bình đẳng?
VOV.VN - Trong khi một số nước coi hộ chiếu vaccine Covid-19 là “chiếc phao cứu sinh”, thì số khác lại lo ngại việc tiêm phòng vaccine là không đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm và có thể làm gia tăng tình trạng phân biệt đối xử.
Sau hơn 1 năm thế giới “mệt mỏi” với đại dịch Covid-19, “hộ chiếu vaccine” đang trở thành cụm từ được nhắc tới nhiều nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (6/4) cho rằng, hiện không phải là thời điểm thích hợp để triển khai hộ chiếu vaccine. Và vấn đề thực sự hiện nay chính là giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19.
Israel hồi tháng trước đã mở lại các trung tâm văn hóa cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại giấy thông hành này, còn được gọi là “thẻ xanh” hay “hộ chiếu vaccine”. Mục đích là cho phép các gia đình đoàn tụ, khởi động lại nền kinh tế và giúp hàng trăm triệu người đã được tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể trở lại cuộc sống bình thường và thậm chí là đi du lịch nước ngoài. Sau Israel, một loạt quốc gia tại Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh hay mới đây nhất là Singapore cũng cân nhắc ý tưởng này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xem xét điều mà một số quốc gia khác đang xem xét, đó là vai trò của hộ chiếu vaccine khi đi du lịch nước ngoài. Tôi nghĩ đó có thể là một thực tế của cuộc sống. Chúng tôi cũng sẽ xem xét vai trò của một số yếu tố để chứng minh bạn không dễ lây lan virus. Trước hết là khả năng miễn dịch của bạn, thứ hai là tiêm chủng và tầm quan trọng của việc xét nghiệm”.
Tuy nhiên, câu hỏi liệu vaccine có ngăn chặn được sự lây nhiễm hay hộ chiếu vaccine liệu có làm gia tăng tình trạng phân biệt đối xử hay không lại là điều khiến nhiều nước dè dặt. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm qua tuyên bố sẽ không hỗ trợ một hệ thống yêu cầu người Mỹ phải mang theo chứng nhận tiêm chủng do những lo ngại về quyền riêng tư.
Trong khi đó, bản thân chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cũng đang gặp khó trong việc triển khai kế hoạch này do bất đồng với Công đảng đối lập. Một số ý kiến lo ngại, việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra một “nước Anh hai tầng” khi ngăn cản những người không được tiêm vaccine đi du lịch hoặc tiếp cận các dịch vụ nhất định.
Về mặt lý thuyết, những chính sách kiểu hộ chiếu vaccine sẽ giúp kiểm soát đại dịch nói chung, giảm thiểu các bệnh lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế vốn chủ yếu rơi vào các nhóm yếu thế. Hơn nữa, nếu quyết định triển khai hộ chiếu vaccine, các chính phủ cũng sẽ buộc phải tăng cường hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Chính vì thế, theo các nhà khoa học, vấn đề không nằm ở “hộ chiếu vaccine”, mà ở cách các nước giải quyết sự bất bình đẳng trong tiêm phòng vaccine.
Theo Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Harris, cơ quan này không ủng hộ việc yêu cầu hộ chiếu vaccine khi đi du lịch vào thời điểm hiện nay khi thế giới vẫn chưa thể chắc chắn liệu việc tiêm chủng có ngăn chặn được sự lây truyền của virus hay không, cũng như những lo ngại về công bằng.
“Chúng tôi hiện không có đủ dữ liệu về việc liệu vaccine có ngăn ngừa được sự lây truyền hay không để nói rằng đây sẽ là một chiến lược hiệu quả. Vấn đề thứ hai là vấn đề về công bằng. Hiện nay, không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận với vaccine và có những người không có khả năng chủng ngừa vì lý do này hay lý do khác. Chúng tôi vẫn đang chờ nguồn cung cấp đầy đủ để cung cấp vaccine cho tất cả các quốc gia cần chúng”.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây đã kêu gọi các nước dư thừa vaccine ngừa Covid-19 quyên góp khẩn cấp 10 triệu liều cho Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, đồng thời đánh giá thêm các loại vaccine có thể đưa vào sử dụng khẩn cấp để có ngày càng có thêm nhiều nước, nhiều cộng đồng dân cư được tiếp cận với vaccine./.