Bí ẩn chưa có lời giải về tai nạn máy bay của Tổng thư ký LHQ Dag
VOV.VN - Vụ tai nạn máy bay bí hiểm dẫn tới cái chết của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjoeld càng tìm hiểu, càng khó hiểu.
Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã đề nghị chính phủ một số quốc gia cung cấp tư liệu liên quan đến một vụ việc xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng cho đến nay vẫn là một góc khuất trong lịch sử LHQ và một trong những câu đố chưa được giải trong lịch sử nhân loại.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjoeld thăm Congo năm 1961 |
Vụ việc xảy ra ngày 18/9/1961 ở Ndola thuộc Sambia ngày nay nhưng khi ấy còn ở trong cái gọi là Liên bang Trung Phi. Nạn nhân là Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjoeld, người Thuỵ Điển. Chiếc chuyên cơ DC-6 của hãng hàng không Thuỵ Điển Transair chở vị Tổng thư ký (TTK) này của LHQ cùng tuỳ tùng từ Kinhasa (khi đó có tên gọi là Leopoldville) thuộc Congo ngày nay bị rơi khi đang hạ cánh xuống sân bay Ndola, nơi chiếc máy bay này rơi cách sân bay chỉ có 15km.
Trên chiếc chuyên cơ này có tất cả 16 người. Chỉ có một sĩ quan quân đội Mỹ sống sót khi máy bay rơi, nhưng anh ta cũng lại qua đời chỉ một giờ sau khi được đưa tới bệnh viện.
Càng nhiều cái tình cờ xảy ra càng làm tăng mối hoài nghi sự tăm tối trong vụ việc này. Càng điều tra nhiều và tìm hiểu kỹ mà kết quả lại không rõ ràng và thuyết phục càng làm cho vụ việc thêm khó hiểu và tăm tối.
LHQ đã cho tiến hành điều tra ngay và đi đến kết luận coi vụ việc chiếc máy bay rơi khiến ông Hammarskojld thiệt mạng là một vụ tai nạn máy bay. Báo cáo của các lần điều tra đều quả quyết là không hề có dấu vết cho thấy chiếc chuyên cơ của ông Hammarskjold đã bị bắn rơi hay đặt bom hẹn giờ. Cả việc viên sĩ quan quân đội Mỹ bị chết ở bệnh viện cũng được giải thích là do trang thiết bị kỹ thuật ở bệnh viện quá tồi tàn.
Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn âm ỉ dai dẳng rất nhiều đồn thổi, nghi hoặc và suy diễn về khả năng ông Hammarskjold đã bị ám hại và là nạn nhân của một âm mưu chính trị liên quan đến nhiều quốc gia và các quốc gia này không muốn thế giới biết sự thật.
Chuyện liên quan đến vùng Congo ở châu Phi ngày ấy, đến Bỉ là nước chiếm hữu vùng này làm thuộc địa, đến Mỹ và nhiều nước phương Tây khác không muốn Congo sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa trở thành quốc gia độc lập phát triển không theo sự lựa chọn chính trị của Bỉ, Mỹ và phương Tây.
Kỹ thuật đảo chính của tình báo Mỹ tại Iran
Thủ tướng đầu tiên của nước này là Patrick Lumumba. Đối thủ chính trị chính của ông Lumumba khi ấy là Moise Tshombe. Với sự trợ giúp của Mỹ và Bỉ, người này thu nạp binh lính và chiêu mộ lính đánh thuê để đánh chiếm, kiểm soát vùng Katanga giàu tài nguyên nhất của Congo.
Mỹ và Bỉ đồng thời còn giúp tư lệnh quân đội Congo Joseph Desire Mobutu tiến hành đảo chính lật đổ ông Lumumba. Trên đường chạy trốn, ông Lumumba bị thuộc hạ của Tshombe bắt và sát hại một cách dã man. Tshombe không chịu thuần phục Mobutu cho dù cả hai cùng dựa vào Mỹ và Bỉ. Vì thế hai phe giao tranh quân sự và nước này bị đẩy đến bên nguy cơ bị chia cắt.
Để ngăn ngừa kịch bản ấy, ông Hammarskjold cho thực thi “chiến dịch Morthor”. Với sự uỷ thác của LHQ thông qua một nghị quyết của HDBA LHQ, một lực lượng quốc tế được thành lập, bao gồm chủ yếu binh lính người Thuỵ Điển, và được đưa đến Congo với nhiệm vụ bắt giữ Moise Tshombe và những phần tử ly khai.
Giao tranh vũ trang đã xảy ra giữa tất cả những bên này, cả binh lính lẫn thường dân đều đã bị thiệt mạng và dư luận thế giới không chỉ ngày càng quan tâm hơn đến chuyện xảy ra ở châu Phi mà còn ngày càng thêm bất bình với LHQ và chiến dịch Morthor.
Trong bối cảnh tình hình ấy, ông Hammarskjold bay sang Congo để đóng vai trò trung gian hoà giải. Ông dự định đến Ndola để gặp và thương thảo với Tshombe. Nhưng chiếc chuyên cơ đã bị rơi khi sắp hạ cánh xuống sân bay.
Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 54 năm. Nhân chứng nay không còn. Bằng chứng được cất kín hoặc đã thất lạc. Kết luận xưa của LHQ rằng chiếc máy bay rơi do lỗi con người gây ra, cụ thể do tổ lái quá mệt mỏi, chứ không phải do tác động từ bên ngoài cho đến nay vẫn là kết luận chính thức của LHQ, cho dù vị đương kim TTK LHQ Ban Ki-moon đã cho tiến hành điều tra lại.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay dẫn tới cái chết của Tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjoeld. |
Báo cáo điều tra mới đây nhất của LHQ được công bố hồi cuối tháng 9/2015 cũng vẫn đi tới kết luận ấy. Không có mưu đồ mờ ám gì của bất cứ ai hết trong chuyện này. Nhưng xem ra ông Ban Ki-moon vẫn chưa hài lòng nên mới yêu cầu các nước liên quan công bố hoặc cho tiếp cận nguồn tài liệu mật của họ. Cả Quỹ Dag Hammarskjold ở Thuỵ Điển cũng vẫn không tin ông Hammarskjold đã bị tai nạn máy bay mà thiên về khả năng ông Hammarskjold đã bị ám hại vì lý do chính trị.
Ngày nay nhìn lại thì thấy trong chuyện này toàn lý đâu ngay thì tình vẫn gian. Với tư cách là người đứng đầu LHQ, ông Hammarskjold không thể bó tay đứng nhìn nội chiến huynh đệ tương tàn ở Congo với nguy cơ lây lan ra cả khắp châu lục. Nhưng đến khi chiến dịch Morthor gặp nguy cơ trở nên một thảm hoạ thì chuyện này lợi bất cập hại đối với cá nhân ông Hammarskjold và LHQ. Cho nên ông Hammarskjold phải cứu chính mình trước và sau đó cứu LHQ.
Mỹ và Bỉ trước hết chơi con bài bắt cá hai tay ở Congo, trước hết dùng Tshombe để đối phó Lumumba và sau này dùng Mobutu để đối phó Tshombe. Họ có lợi ích trong việc thủ tiêu ông Lumumba nhưng không có lợi ích trong việc Congo bị chia rẽ. Họ rất sợ ông Lumumba dựa vào Liên Xô, sợ ông Lumumba trở thành một ngọn hải đăng trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở châu Phi. Nhưng đồng thời họ cũng sợ những quốc gia trên châu lục này vì quyền lực nội bộ mà chia rẽ lãnh thổ.
Ông Hammarskjold đã đặt LHQ đứng hẳn về phía ông Mobutu và vì thế bất lợi cho phe ông Tshombe ở Congo. Nhưng càng can dự trực tiếp sâu hơn vào chuyện ở Congo thì ông Hammarskjold càng có thể nhận diện rõ ràng hơn vai trò của Mỹ và Bỉ. Hay nói cách khác, tất cả các bên liên quan đều có lợi ích thiết thực trong việc này, hay nói đúng hơn, họ muốn ông Hammarskjold và LHQ đứng ở ngoài cuộc hơn là ở trong cuộc.
Chính vì thế, có rất nhiều suy đoán về âm mưu của bên này hay bên kia theo hướng có ai đấy đã mưu đồ ám hại ông Hammarskjold. Sự thật như thế nào đến nay vẫn chưa thể xác nhận được. Kể cả sau hơn nửa thế kỷ, các bên liên quan vẫn có lý do để che đậy sự thật.
Cả điều này làm cho câu chuyện về số phận của vị TTK của LHQ này càng được tìm hiểu thì lại càng thêm khó hiểu.
Theo quy định chung, Giải thưởng Nobel hàng năm chỉ trao cho người còn sống chứ không trao cho người đã qua đời ở vào thời điểm xét chọn. Ông Dag Hammarskjold là người duy nhất cho tới nay được truy tặng Giải thưởng Nobel dù đã chết. Bi kịch số phận như thế và lại còn là người Thuỵ Điển rất có thể là những tác nhân quyết định nhất cho việc có được trường hợp ngoại lệ duy nhất từ trước đến nay trong lịch sử của Giải thưởng Nobel./.