Cận chiến nảy lửa giữa máy bay Mỹ và Liên Xô trên vùng biển Nhật Bản
VOV.VN - Bốn chiến đấu cơ của Liên Xô đã quần thảo nảy lửa với 4 máy bay Mỹ ở vùng biển Nhật Bản. Chiến tranh Lạnh khi đó có nguy cơ biến thành Thế chiến 3.
Chiến tranh Lạnh không phải lúc nào cũng lạnh. Trên thực tế, đã có vài dịp cuộc chiến tranh này trở nên thực sự nóng rẫy.
Phi cơ tiêm kích Grumman F9F Panther của hải quân quân Mỹ. Ảnh: WikiCommons.
Một trong các sự cố như vậy là vào ngày 8/11/1952 trên vùng biển Nhật Bản, khi nổ ra một cuộc cận chiến bằng máy bay tuy ngắn ngủi nhưng rất quyết liệt giữa một phi đội 4 chiếc tiêm kích MiG-15 của Liên Xô và một số lượng tương tự máy bay phản lực F9F-5 Panther xuất kích từ tàu sân bay USS Oriskany của Mỹ.
Trong nhiều năm sau đó cả chính phủ Mỹ và Liên Xô đều chính thức phủ nhận vụ việc này, mà trên thực tế đã xảy ra ở khu vực cách thành phố cảng Vladivostok của Nga 80km về phía nam.
Vụ đụng độ bắt đầu khi tàu sân bay Oriskany thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 của hải quân Mỹ tiến lên phía bắc dọc theo bờ biển phía đông của Triều Tiên. Kể từ khi tới vùng biển này vào một tháng trước đó, các máy bay trên boong chiếc tàu sân bay lớp Essex dài 275m đã thực hiện các chuyến bay yểm trợ cho quân Liên Hợp Quốc tác chiến dọc theo vĩ tuyến 38.
Khi các tàu Mỹ tiến gần tới vùng biển Nga, các trắc thủ radar trên tàu bắt được tín hiệu có một nhóm máy bay lạ lao ra từ không phận Liên Xô. Điều đáng nói, số máy bay trên đang lao thẳng về phía đội hình tàu sân bay của Mỹ.
Không chần chừ, phía Mỹ tung ngay 4 chiếc phi cơ Panther thuộc phi đoàn VF-781 của hải quân Mỹ lên để tạo một bức màn bảo vệ quanh đội hình tàu chiến.
Máy bay tiêm kích MiG-15 của Liên Xô. Ảnh: WikiCommons. |
Khi các máy bay lạ tiến sát tới tầm nhìn thị giác, các phi công Panther nhận diện được đó là tiêm kích MiG-15.
Các máy bay Liên Xô bắt đầu bay lướt qua những chiếc phản lực cơ Grumman vừa chậm hơn vừa kém linh hoạt hơn, có lẽ là với ý đồ xua đuổi các máy bay Mỹ ra khỏi khu vực này. Sau khi chạm mặt nhau 20 phút, được cho là không hề cảnh báo, hai chiếc MiG khai hỏa. Thế là phi cơ Mỹ bấm cò tác xạ nhằm vào bên tấn công “trước”. Cuộc chiến cứ thế diễn ra.
Trong 8 phút tiếp theo, cuộc không chiến 4 chọi 4 diễn ra quyết liệt trong khoảng không trên đại dương.
Bất chấp việc MiG có tốc độ cao và tính cơ động, các phi công Mỹ vẫn xoay sở thành công để duy trì nhịp độ trận đấu – họ thậm chí còn làm cho một chiếc phi cơ Xô viết “uống nước” và một chiếc MiG khác bị thương, phải rút khỏi vùng chiến sự với dải khói đen đằng sau đuôi.
Hai chiếc MiG còn lại thoát ly khỏi trận đánh và lao về căn cứ. Toàn bộ vụ đụng độ kết thúc một cách đột ngột y như khi bắt đầu.
Một người quan sát trên một chiếc khu trục hạm hộ tống của Mỹ phát hiện dù bung ra từ một chiếc phi cơ Liên Xô nhưng không có hoạt động cứu hộ nào.
Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên
Lo sợ bị trả đũa, các tàu Mỹ bắt đầu quay về phía nam.
Phía Liên Xô sau đó không có phản ứng gì. Trên thực tế, cả Mỹ và Liên Xô đều không thừa nhận vụ đối đầu này trong các ngày tiếp theo. Chỉ đến năm 1961 thì Lầu Năm Góc mới giải mật thông tin về vụ này.
Điều bất ngờ là vụ không chiến nói trên không phải là trường hợp duy nhất mà trong đó chiến đấu cơ Mỹ và Liên Xô bắn vào nhau.
Từ năm 1950 đến năm 1970 đã có ít nhất 17 vụ như thế. Máy bay Mỹ hoặc là giao chiến với máy bay Liên Xô hoặc là bị tấn công.
Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke
Một trong các vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 1/1964, khi hai chiếc tiêm kích Liên Xô bắn hạ một máy bay huấn luyện không vũ trang trong một chuyến bay dài dọc theo biên giới giữa Đông Đức và Tây Đức. Chiếc phi cơ T-39 Sabreliner của không quân Mỹ bay từ từ vào không phận Đông Đức và chỉ trong vòng vài phút, các máy bay tiêm kích đánh chặn của Khối Hiệp ước Warsaw đã hạ gục chiếc máy bay này. Moscow tuyên bố chiếc máy bay của khối NATO đã phớt lờ các phát đạn cảnh cáo của phi cơ MiG và các phi công của họ đã hành động hợp lệ./.