Câu hỏi khó: Đảo Síp chiến lược thuộc về châu Âu hay châu Á?
VOV.VN - Việc Síp thuộc về châu Âu hay châu Á là một câu hỏi phức tạp, không dễ trả lời.
Đảo Síp (Cyprus) là một hòn đảo thuộc Địa Trung Hải, nằm về phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, đông nam Hy Lạp, phía bắc Ai Cập, tây bắc Israel và Lebanon, và phía tây Syria. Síp là hòn đảo Địa Trung Hải lớn thứ 3 với diện tích 9.251km2.
Cảnh đẹp ở đảo Síp. Ảnh: World Atlas. |
Síp đôi khi được xác định nằm ở châu Âu, lúc thì ở châu Á hoặc Trung Đông. Về mặt địa lý, Síp gần châu Á hơn nhưng về mặt lịch sử và văn hóa thì đây là một nước châu Âu.
Síp có 4 phân vùng địa chính trị với các chính quyền khác nhau. Cộng hòa Síp chiếm 2/3 diện tích hòn đảo về phía nam còn “Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ” (nước này chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận) chiếm 1/3 phía bắc của hòn đảo. Có 2 căn cứ - Akrotiri và Dhekeli, thuộc chủ quyền của Anh. Vùng đệm do Liên Hợp Quốc kiểm soát chia tách “Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ” ở phía bắc với Cộng hòa Síp ở phía nam.
Lịch sử
Síp là một trong những nước lâu đời nhất trên thế giới xét về khía cạnh có người đến sinh sống. Có bằng chứng khảo cổ học cho thấy có người định cư ở đây từ cách đây hơn 9.000 năm. Síp trong nhiều cuộc chinh phạt đã bị nhiều vương quốc chiếm đóng và cai trị.
Người Hy Lạp và người Phoenicia đã định cư trên hòn đảo này vào những thế kỷ đầu tiên. Hòn đảo đóng vai trò như một vị trí chiến lược tới Trung Đông. Sau đó hòn đảo rơi vào sự cai trị của vài quốc gia như Assyria, Ai Cập, Hy Lạp dưới thời Alexander Đại đế và Cộng hòa La Mã.
Thời Trung đại, Síp chịu sự ảnh hưởng từ nhiều đế chế khác nhau như Byzantine, Ottoman và Anh. Năm 1925 Síp vẫn là một thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ được cho Đế chế Anh thuê. Síp giành độc lập vào năm 1960 sau nhiều năm người Síp kháng chiến.
Quan hệ thời cổ xưa
Síp có duy trì quan hệ gần gũi với cả châu Á và châu Âu. Dân tộc Síp có gốc Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ với nguồn gốc văn hóa và lịch sử rất mạnh.
Thời cổ đại, Síp là một hòn đảo quan trọng đối với cả châu Âu lẫn châu Á cũng như Ai Cập. Vị trí chiến lược của đảo có giá trị sống còn đối với thương mại giữa châu Á và châu Âu, với các mối liên kết quan trọng với các thành phố Alexandria và Athens. Dầu ôliu – một thứ hàng quan trọng trong thời kỳ La Mã, là mặt hàng thương mại chính được bán ở cả địa phương và bên ngoài Síp. Thời chiến tranh, các vị vua như là Alexander Đại đế và Ptolemy đã nhờ cậy sự giúp đỡ của các đạo quân Síp để thực hiện các cuộc chinh phạt.
Ảnh hưởng của người Thổ và Hy Lạp chiếm đóng Síp thời xưa là rõ nét nhất và kéo dài cho tới ngày nay. Người Hy Lạp đã đưa Kitô giáo vào Síp trong khi đó người Thổ giới thiệu đạo Hồi dòng Sunni.
Quan hệ thời hiện đại
Cộng hòa Síp và “Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ” duy trì quan hệ quốc tế với hầu hết các nước. Cộng hòa Síp có quan hệ ngoại giao với khoảng 178 quốc gia, chủ yếu là ở châu Âu, và là một thành viên của Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, “Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ được duy nhất một nước công nhận, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Hai thực thể này có quan hệ gần gũi với nhau.
Người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ thường có xung đột sắc tộc với nhau, thể hiện rõ ở sự phân chia đảo Síp và các cuộc tấn công thường xuyên kể từ khi Síp giành độc lập. Các cuộc xung đột này nổi lên khi mà mỗi phái dân tộc đều hy vọng tích hợp Síp hoặc vào Hy Lạp hoặc vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Síp - quốc gia liên lục địa
Síp là nước châu Á hay châu Á tùy thuộc vào góc nhìn. Xét về khuynh hướng chính trị và tư cách thành viên EU thì Síp là một quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đây lại là một nước châu Á nếu xét về vị trí địa lý của nó./.