Động cơ đằng sau việc Mỹ từng hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân Iran
VOV.VN - Phục vụ mục đích của mình, cả Mỹ và Israel đều từng "ra tay" hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Chương trình vũ khí hạt nhân Iran – Tâm điểm chú ý của Phương Tây
Từ giữa những năm 1980, khả năng Iran phát triển năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân đã thu hút sự quan tâm lớn của thế giới phương Tây. Mối quan tâm đó lớn dần theo thời gian khi nền kinh tế và quốc phòng của Cộng hòa Hồi giáo được hiện đại hóa và khi nước này có được ngày càng nhiều thiết kế tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ Triều Tiên.
Các cáo buộc về chương trình vũ khí hạt nhân được coi là lý do chính cho một loạt chính sách thù địch chống lại Tehran, bao gồm đe dọa chiến tranh, chuẩn bị các cuộc tấn công phòng ngừa tiềm tàng nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, các lệnh trừng phạt kinh tế...
Trong Thỏa thuận Hạt nhân trong Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA) vào năm 2015 có điều khoản gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran. Tuy vậy, JCPOA vẫn cho phép duy trì các lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây, áp đặt các hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của Iran, đã ngăn cản việc nước này trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Với việc rút khỏi JCPOA của chính quyền cựu Tổng thống Trump và nhu cầu duy trì an ninh của Israel, một cường quốc hạt nhân nhỏ đồng minh của Mỹ vốn đang phải đối mặt với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Iran ở biên giới của mình, lại một lần nữa đã đẩy tiềm năng xung đột do chương trình hạt nhân của Iran lên cao.
Theo một số nhà phân tích phương Tây, việc phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran sẽ cho phép Iran trở thành một thế lực quân sự chiếm ưu thế ở Trung Đông, cũng như làm suy yếu lợi thế hạt nhân của Israel, là một chủ đề thường được bàn luận. Tuy nhiên, nguồn gốc của chương trình hạt nhân Iran ít được biết đến rộng rãi.
Mỹ và Israel từng hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân Iran
Trước cuộc cách mạng Iran năm 1979, chứng kiến quyền lực triều đại Pahlavi liên kết với phương Tây bị lật đổ, Iran đã được Mỹ cung cấp nhiều thứ cần thiết, cả vật liệu phân hạch có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Sự hỗ trợ đạt đỉnh điểm vào năm 1974 và một đánh giá về phổ biến vũ khí hạt nhân của CIA năm đó nhận định, "không có nghi ngờ gì" rằng Tehran sẽ sử dụng sự hỗ trợ đó để phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ vào giữa những năm 1980.
Bản thân nhà lãnh đạo Iran Mohammad Reza Shah từng tuyên bố rằng, Iran sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân "không nghi ngờ gì nữa và sớm hơn người ta nghĩ". Mỹ cố ý ủng hộ việc phổ biến vũ khí hạt nhân cho quốc gia Trung Đông, nhưng việc phát triển được khuyến khích để củng cố vị thế của khối phương Tây thay vì làm suy yếu nó. Và điều đó được mô tả là một đóng góp thay vì bị coi như một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc tế.
Cùng với Israel vào thời điểm đó đã phát triển kho vũ khí hạt nhân, khối phương Tây phải có hai đối tác đồng minh vũ trang hạt nhân ở Trung Đông - một thế độc quyền sẽ khiến các cường quốc khu vực liên kết và thân Liên Xô như Syria và Iraq bị rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng. Với việc Iran cũng có biên giới với Liên Xô, một kho vũ khí hạt nhân của Iran hướng vào Liên Xô từ phía nam sẽ củng cố sức mạnh của liên minh Phương Tây.
Hỗ trợ hạt nhân cho Iran được thực hiện theo sáng kiến Nguyên tử vì Hòa bình, theo đó, Mỹ cung cấp cho một số đối tác chiến lược cơ sở sản xuất năng lượng hạt nhân, nhằm “chinh phục” các quốc gia này trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng với Moscow của Washington ngày càng tăng. Với việc Iran giáp với Liên Xô, sự “thâu tóm” Iran bao gồm cả nhà lãnh đạo Shah được giáo dục ở châu Âu sẽ cung cấp cho Mỹ các cơ sở quân sự có giá trị ở sát biên giới Liên Xô. Cùng với mạng lưới căn cứ quân sự, kho vũ khí đối tác hàng đầu của phương Tây sẽ chĩa thẳng vào Liên Xô.
Một Iran trang bị vũ khí hạt nhân sẽ gây ra thêm những lo ngại về an ninh cho Liên Xô hơn nhiều so với một Triều Tiên vũ trang hạt nhân đối với Mỹ ngày nay nếu xét về khoảng cách giữa họ. Và phần lớn cơ sở hạ tầng mà Mỹ cung cấp cho Tehran có thể được sử dụng để sản xuất plutonium và uranium cấp độ vũ khí, hai vật liệu quan trọng cần thiết để chế tạo đầu đạn hạt nhân.
Israel cũng được cho là đã ủng hộ chương trình hạt nhân Iran - chương trình cung cấp cho đồng minh chính các khả năng để chống lại kẻ thù chung của họ trong khu vực tốt hơn. Đáng nói, sự trợ giúp của nước ngoài bị cắt sau năm 1979 và do Tehran chậm thiết lập quan hệ với Moscow, sau đó, Iran đã buộc phải dựa vào khả năng của bản thân và sự hỗ trợ của Triều Tiên để phát triển ngành công nghiệp hạt nhân của mình./.