Hai năm cầm quyền của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un
VOV.VN - Ông Kim Jong-un kế nhiệm cha mình trong bối cảnh đặc biệt. Hai năm qua, bán đảo Triều Tiên cũng chứng kiến nhiều biến cố và căng thẳng.
Tháng 12/2011, lãnh tụ tối cao của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đột ngột qua đời. Người con trai còn rất trẻ của ông, Kim Jong-un, nhanh chóng được đưa lên vị trí lãnh đạo tối cao, lần lượt nắm giữ các chức vụ trọng yếu trong bộ máy đảng và nhà nước Triều Tiên. Việc này diễn ra cấp tập từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012.
‘Bồi dưỡng’ thành lãnh đạo
Thực ra từ trước năm 2011, ông Kim Jong-un (sinh vào khoảng năm 1983) đã được “bồi dưỡng” để tiếp quản các vị trí lãnh đạo cao nhất, đã được thăng vượt cấp lên tướng 4 sao dù trước đó chưa hề có bề dày hoạt động trong quân đội. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng này diễn ra gấp gáp, chưa có nhiều thời gian như ông Kim Jong-il từng được người cha Kim Nhật Thành (tức là ông nội của Kim Jong-un) bồi dưỡng trong 20 năm liền, từ những năm 1970 cho đến thập niên 1990.
Lãnh tụ tối cao đảng, nhà nước Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh: hãng tin Triều Tiên KCNA) |
Do vậy, trong quá trình chuyển giao quyền lực, đương kim lãnh đạo Kim Jong-un cần sự hỗ trợ dìu dắt của nhóm cận vệ già vốn thân cận với ông Kim Jong-il. Nhóm 7 người quyền lực này đã xuất hiện cùng với ông Kim Jong-un bên cạnh cỗ linh xa trong lễ tang của lãnh tụ quá cố Kim Jong-il. Trong nhóm bộ 7 này, nổi bật nhất và quyền lực nhất là người chú rể của Kim Jong-un – ông Jang Song-thaek, người nắm giữ chức Trưởng Ban Hành chính Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng nước này. Trước khi bị hạ bệ gần đây, ông Jang được coi là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên, chỉ sau lãnh đạo tối cao.
Trong thời gian 2 năm qua, ông Kim Jong-un đã có nhiều nỗ lực củng cố chính quyền và khẳng định năng lực lãnh đạo của mình. So với thân phụ, ông Kim Jong-un đã cố gắng xây dựng một hình ảnh mới, thân thiện, gần gũi, sôi nổi trẻ trung, thông qua việc lên truyền hình phát biểu và xuất hiện ở nhiều sự kiện trong nước. Ông cũng đã tiến hành nhiều đợt cải tổ nhân sự trong bộ máy đảng, nhà nước, và quân đội. Đặc biệt ông Kim có nhiều động thái để tăng cường quyền kiểm soát của đảng Lao động Triều Tiên đối với quân đội.
Chính sách của ban lãnh đạo mới
Về mặt kinh tế, ông Kim Jong-un hứa hẹn có nhiều đổi thay và cải cách, để biến Triều Tiên thành một quốc gia thịnh vượng trong ngày một ngày hai. Đã có nhiều hội nghị của ban lãnh đạo Triều Tiên bàn về phát triển kinh tế và nông nghiệp mang “màu sắc Triều Tiên”. Các nỗ lực cải cách từ trước đó, bao gồm các đặc khu kinh tế với Trung Quốc, được duy trì. Các lãnh đạo Triều Tiên tuy không nói nhiều nhưng trên thực tế, theo một số nguồn tin, đã nghiêm túc tìm hiểu kinh nghiệm cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam.
Sau khi lên cầm quyền, ông Kim Jong-un đã tỏ rõ mình là thống soái của không chỉ đảng, nhà nước mà còn cả quân đội Triều Tiên (ảnh: KCNA) |
Ban lãnh đạo Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển khoa học công nghệ, tăng hàm lượng “chất xám” trong nền kinh tế quốc gia. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng hạ tầng viễn thông của nước này vẫn có những cải thiện nhất định. Vào đầu năm 2013, Chủ tịch hãng tin học Google đã ghé thăm Triều Tiên, đến thăm các cơ sở công nghệ thông tin của nước này, mở thêm hy vọng về cải cách mở cửa ở quốc gia vốn nổi tiếng khép kín này.
>> Đọc thêm: Triều Tiên e ngại ‘cây gậy’ đằng sau ‘củ cà rốt’ của Mỹ
Dẫu vậy chưa thấy có thay đổi lớn trong chính sách kinh tế của Kim Jong-un. Trên thực tế nền kinh tế Triều Tiên chưa có bước đột phá nào khi họ có tham vọng đạt được cùng một lúc hai mục tiêu là kinh tế thịnh vượng và vị thế cường quốc hạt nhân. Việc phát triển vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên coi là bảo kiếm của chế độ, hẳn nhiên rất tốn kém và càng khiến họ rơi vào thế bị bao vây, cô lập trên trường quốc tế.
Trước kia cố lãnh tụ Kim Jong-il đề cao chính sách “tiên quân” do cần sự ủng hộ của quân đội và do bối cảnh lúc ông lên cầm quyền có nhiều biến động bất lợi (Liên Xô sụp đổ, thiên tai liên miên, Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào chính trị thế giới, xâm lược Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003…). Đến lượt mình, Kim Jong-un vẫn đề cao vấn đề quốc phòng nhưng đã giảm hơn trước nhiều, và cố gắng đi bằng cả 2 chân kinh tế - quân sự.
Về mặt ý thức hệ, Triều Tiên tiếp tục đề cao học thuyết “tự lực cánh sinh” Juche (Chủ thể) và coi chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Chính Nhật là nền tảng tư tưởng của mình. Ông Kim Jong-un được coi là người kế thừa vĩ đại của chủ nghĩa này và tiếp nối truyền thống gia tộc họ Kim lãnh đạo Triều Tiên suốt từ năm 1948.
‘Bên miệng hố chiến tranh’
Cả năm 2012 và 2013, người ta thấy bán đảo Triều Tiên liên tục nóng lên với các tuyên bố và hành động của CHDCND Triều Tiên. Cuối năm 2012, nước này phóng vệ tinh mà phương Tây cho là để thử công nghệ tên lửa tầm xa. Đầu năm 2013, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần 3, bất chấp cả sự can ngăn của Trung Quốc. Lần thử hạt nhân mới nhất này của Triều Tiên cũng mở đầu cho đợt căng thẳng sát “miệng hố chiến tranh” giữa một bên là Triều Tiên với một bên là Hàn Quốc và đồng minh Mỹ. Triều Tiên thường xuyên “dọa nạt” đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong giữa 2 miền và tiến công san phẳng Hàn Quốc. Không chỉ vậy, họ còn đe dọa và lên kế hoạch tấn công sang cả đất Mỹ.
>> Đọc thêm: Dữ dội chiến trường Triều Tiên 60 năm về trước
Việc Triều Tiên chủ động “làm căng” có lẽ không chỉ để kỷ niệm 60 năm việc ký Hiệp định Đình chiến trên bán đảo Triều Tiên và đáp trả các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, mà còn để tạo thế cho các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như nâng cao tinh thần dân tộc và tăng cường đoàn kết nội bộ, củng cố chính quyền mới của lãnh tụ Kim Jong-un.
Hành quyết nhân vật số 2
Vào tháng 12/2013, đúng dịp kỷ niệm ngày giỗ thứ 2 của cố lãnh tụ Kim Jong-il, đã xảy ra một sự kiện động trời ở Triều Tiên. Ông Jang Song-thaek, nhân vật quyền lực số 2 của nước này bất ngờ bị cách mọi chức vụ, kết án tử và nhanh chóng hành quyết vào ngày 12/12.
Như đã nói ở trên, ông Jang nằm trong Nhóm 7 quyền lực. Cho đến nay, với việc ông Jang bị xử tử thì Nhóm trên đã bị thanh trừng tổng cộng 5 người. Trong thời gian 2 năm cầm quyền, lãnh đạo Kim Jong-un đã cho nghỉ hưu nhiều quan chức từ thời cha mình, đồng thời cất nhắc những người mới trẻ hơn và gần gũi với mình hơn.
Jang Song-thaek (trái) và người cháu Kim Jong-un bên cỗ linh xa lãnh tụ Kim Jong-il cuối năm 2011 (ảnh: AP) |
Vụ xử tử ông Jang đã gây sốc toàn thế giới, không chỉ ở Triều Tiên. Với thái độ quan ngại sâu sắc, nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã coi đây là “khủng bố” và nhanh chóng triệu tập các quan chức cấp cao để đánh giá tình hình. Cả phát ngôn viên Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều coi hành động xử tử nói trên là hết sức “tàn bạo”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng có những lời lẽ gay gắt phê phán việc hành quyết. Liên quan đến vụ việc này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong buổi họp báo hôm 16/12 tuyên bố: Triều Tiên cần phải tuân thủ các quy chuẩn “nhân quyền quốc tế”. (Riêng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi đây chỉ là... công việc “nội bộ” của Triều Tiên.)
>> Đọc thêm: Vụ xử tử làm đảo lộn đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên
Thế giới rúng động trước sự kiện này vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, việc hạ bệ và hành quyết xảy ra với một nhân vật cấp cao đến như vậy và lại là thành viên trong gia tộc họ Kim (ông Jang là chồng của cô ruột của lãnh tụ Kim Jong-un). Thứ hai, sự việc diễn ra quá bất ngờ và nhanh. Tình hình đang yên ả bỗng dưng thấy ông Jang bị khai trừ khỏi Đảng, tước bỏ mọi chức vụ, rồi bị bắt, kết án và hành quyết. Tất cả chỉ trong vài ngày và vụ việc hầu như không gặp phải sự kháng cự nào. Đáng lưu ý, ông Jang bị hành quyết ngay sau khi bị tuyên án và ông không có thời gian kháng cáo như thông lệ trên thế giới. Nghĩa là, người Triều Tiên quyết "nhổ cỏ" tận gốc.
Thứ ba, vụ việc nội bộ nhạy cảm như vậy được thông báo rộng rãi trên sóng truyền hình, phát thanh nhà nước cũng như trên báo đảng Lao động Triều Tiên và bản tin hãng thông tấn trung ương nước này. Ông Jang bị bắt ngay trong cuộc họp Bộ chính trị đảng này và cảnh tượng bắt giữ đã được đưa công khai lên sóng truyền hình trung ương.
Thứ tư, sau khi ông Jang chết, mọi thông tin và hình ảnh về ông này đều đã bị gỡ, xóa khỏi hệ thống báo, trang tin điện tử và các video clip của nước này. Nói cách khác, Triều Tiên đã cố gắng khai tử ông Jang không chỉ về mặt chính trị và sinh học mà còn cả về mặt tên tuổi, đúng như trong bản cáo trạng trên KCNA và Rodong Shinmun: “không có chỗ chôn những kẻ như Jang kể cả sau khi chết”. Có nguồn tin nói, sau khi bản án tử thi hành xong, ông Jang đã bị hỏa thiêu và không còn dấu vết.
Truyền hình nhà nước Triều Tiên phát cảnh lôi ông Jang Song-thaek ra khỏi ghế ngồi và bắt giữ ông ngay giữa cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên |
Thế giới còn ấn tượng về bản cáo trạng rất dài và chi tiết dành cho Jang Song-thaek. Bản cáo trạng trên trang web KCNA (Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên) công khai dùng ngôn ngữ nặng nề có tính thóa mạ nhằm vào ông Jang, gọi ông này là “kẻ phản bội của mọi thời đại”, là "cặn bã" và “tệ hơn cả một con khuyển”.
Bản cáo trạng đã đưa ra một danh sách rất dài các tội danh của ông Jang, trong đó nặng nhất là tội mưu phản, kế đó là các tội như tham nhũng, lạm quyền, quản lý tài chính yếu kém, đánh bạc, lăng nhăng với phụ nữ, nghiện ma túy, sử dụng và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, có thái độ thân nước ngoài, thiếu tôn trọng đối với lãnh tụ tối cao (như vỗ tay hời hợt...).
Theo cáo trạng, mưu phản ở đây là thành lập vây cánh, cài cắm người vào bộ máy đảng và nhà nước, phá hoại kinh tế Triều Tiên, gây bất mãn trong nhân dân và quân đội để chờ khi thuận lợi sẽ tiến hành đảo chính lật độ chế độ của ông Kim Jong-un.
Bản chất vấn đề
Việc xác định thực chất những gì đang diễn ra ở Triều Tiên gặp một số khó khăn như bản thân nước này vốn có truyền thống kín đáo, Mỹ bao vây cấm vận, và báo chí phương Tây có nhiều bưng bít hoặc bóp méo nhất định. Tuy nhiên nếu theo dõi toàn diện các nguồn tin từ trong và ngoài Triều Tiên trong thời gian qua và cả trước đây thì có thể rút ra mấy kịch bản sau:
Giả thuyết thứ nhất - Ông Jang đúng là có tham vọng chính trị cá nhân lớn hoặc muốn thay đổi cơ chế lãnh đạo từ chỗ mang tính tập trung vào một vài cá nhân sang cơ chế lãnh đạo tập thể rộng rãi. Báo chí Hàn Quốc phỏng vấn những nhân vật đào tẩu từ Triều Tiên cho biết ông Jang từng mưu toan lật đổ lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un. Không chỉ vậy, ông Jang có tư tưởng đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm bớt đầu tư cho quân sự và vũ khí hạt nhân, mở rộng thử nghiệm kinh tế theo định hướng thị trường.
Vì vậy bản cáo trạng và án tử nói trên là để chấm dứt tham vọng của ông Jang và gửi thông điệp răn đe những kẻ mưu phản khác.
Kịch bản thứ hai - Ông Jang đã hoàn thành vai trò “quan nhiếp chính”, ông Kim Jong-un đã trưởng thành vượt bậc, mà quyền lực thì cần tập trung vào một mối. Đã vậy, ông Jang lại có nhiều toan tính kiếm lời cá nhân (ông vốn được giao phụ trách kinh tế), ảnh hưởng đến các “nhóm” khác. Trước đó, ông Jang (bên dân sự) còn được cho là đi đầu trong việc thanh lọc Phó Nguyên soái Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-ho, nên có thể quân đội rất không hài lòng và chờ dịp để phản đòn. Việc hạ bệ ông Jang cũng đồng thời giúp giải thích các yếu kém và khó khăn về kinh tế của Triều Tiên trong thời gian qua, do đó tăng cường thêm “đoàn kết” và tin tưởng nội bộ.
Khả năng thứ ba - Jang Song-thaek có quan hệ gần gũi, thân thiện với Trung Quốc, chủ trương cải cách và mở cửa theo kiểu Trung Quốc, nên ông vấp phải phản ứng của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa rất mạnh ở Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) bắt tay ông Jang Song-thaek, Trưởng Ban Hành chính Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên tại Bắc Kinh vào ngày 17/8/2012 (ảnh: China Daily) |
Ở đây cần lưu ý các đặc điểm rất riêng của Triều Tiên về mặt lịch sử, văn hóa và chủng tộc. Từ thời trung cổ, người Triều Tiên đã chú ý đến và đề cao tính thuần khiết của dân tộc mình, tính độc lập và tự lực cánh sinh của quốc gia mình, trong bối cảnh họ bị o ép giữa các nước phong kiến láng giềng mạnh như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.
Đế quốc Nhật Bản đã cai trị Triều Tiên suốt từ năm 1910 đến 1945 và gây nhiều đau thương cho nhân dân Triều Tiên. Không chỉ vậy, thời đó người Nhật còn tìm mọi cách để đồng hóa dân Triều Tiên, ép họ theo văn hóa Nhật. Trong khi đó, khác với Trung Quốc và các quốc gia khác có nhiều thành phần dân tộc, Triều Tiên có tỷ lệ thuần chủng rất cao (gồm gần như tuyệt đối người bản xứ và ít có chuyện lai tạp gene với các tộc người khác) và họ đặc biệt tự hào về điều này. Người dân Hàn Quốc tương đồng người Triều Tiên về mặt này. Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Nhật, cả Hàn Quốc và Triều Tiên cho tới tận ngày nay đều nhấn mạnh - đôi lúc cực đoan - đến bản sắc dân tộc Triều/Hàn.
Riêng Trung Quốc phong kiến đã nhiều lần xâm chiếm quốc gia Triều Tiên thời cổ và can thiệp vào công việc nội bộ nước này. Trong quá khứ, một bộ phận lãnh thổ của vương quốc Triều Tiên (ở phía bắc và tây bắc) đã bị các triều đại Trung Quốc chiếm và tích hợp mãi mãi vào cương thổ Trung Quốc. Đến sau Chiến tranh Triều Tiên 1953, dù rất kiềm chế, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn có những căng thẳng nhất định về phân định ranh giới lãnh thổ.
Sang đến nửa sau thế kỷ 20, cả Trung Quốc và Liên Xô từng tìm cách lôi kéo Triều Tiên vào vòng ảnh hưởng của mình. Trong khi đó nước này đồng thời ở trong thế đối nghịch với Hàn Quốc, Nhật Bản, và Mỹ. Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, cho đến nay Triều Tiên vẫn nằm trên giao lộ của các trung tâm quyền lực thế giới.
Chính vì vậy, người Triều Tiên luôn cảnh giác, kể cả với đồng minh duy nhất của họ là Trung Quốc. Trên thực tế, dù có hỗ trợ hết mình cho Triều Tiên trong cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953, Trung Quốc cũng không gây dựng được ảnh hưởng quá lớn ở Triều Tiên. (Về phần mình, kể từ khi lên nắm quyền, lãnh tụ Kim Jong-un chưa một lần sang thăm Trung Quốc, trái ngược với trường hợp Jang Song-thaek.) Còn tình báo Mỹ thì thú nhận họ “bó tay”, không tài nào xâm nhập được vào cơ cấu bên trong của Triều Tiên.
>> Xem thêm: Cận cảnh Triều Tiên
Nhưng dù sao, không thể phủ nhận một thực tế là cả người Triều Tiên và Hàn Quốc đều tài hoa, kỷ luật và có tinh thần lao động nghiêm túc. Dù khó khăn và bị cấm vận nhưng Triều Tiên vẫn đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về nghệ thuật, thể thao, công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu hai nước thống nhất thì sẽ có một quốc gia rất mạnh trên bán đảo Triều Tiên – điều mà một số thế lực có thể không mong muốn.
Hy vọng năm 2014 sẽ có nhiều điểm sáng trên bán đảo Triều Tiên./.