5 điều Mỹ chưa rõ về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên
(VOV) - Tình báo Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập các thông số chi tiết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới luôn tỏ ra lo lắng về năng lực quốc phòng của CHDCND Triều Tiên và khả năng nước này tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa nữa.
Trong một phiên điều trần tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Doug Lamborn đã đọc phần giải mật của một tài liệu, trong đó Cơ quan Tình báo Quốc phòng nước này bày tỏ “sự chắc chắn nhất định về việc Triều Tiên đã phát triển được vũ khí hạt nhân có khả năng được phóng đi bằng tên lửa đạn đạo”.
Tuy nhiên Jam R. Clapper, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, đã nhanh chóng bác bỏ đánh giá trên, và cho rằng “Triều Tiên chưa chứng tỏ được toàn bộ năng lực cần thiết cho việc phát triển một tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân”.
Cho đến nay, nhiều vấn đề về năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn chưa rõ ràng đối với các quan chức Mỹ khi họ chuẩn bị đón chờ một đợt phóng tên lửa của Triều Tiên có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Đài CNN của Mỹ đã liệt kê 5 điều người Mỹ vương vấn về “bảo kiếm hạt nhân” của Triều Tiên:
1. Triều Tiên thực sự có vũ khí hạt nhân?
Nhiều khả năng. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 1 vào năm 2006, sau đó là 2 vụ nữa, vụ gần nhất là vào tháng 2/2013. Nhiều người tin rằng Triều Tiên đã hoàn thành việc tách đủ plutonium để chế 10 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ là họ đã phát triển được công nghệ phóng vũ khí đó tới đích hay chưa.
Các loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên (ảnh: therightperspective) |
Không rõ. Việc thu nhỏ kích cỡ 1 vũ khí hạt nhân để nó có thể nằm gọn trên đỉnh tên lửa là điều rất khó khăn. Các chuyên gia tỏ ý nghi ngại rằng người Triều Tiên đã sốt sắng nghiên cứu để đạt được điều đó nhưng vẫn chưa thành công lắm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng chia sẻ suy nghĩ như vậy.
3. Triều Tiên đã chế được tên lửa đủ tinh vi để mang đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu?
Có thể. Người ta tin Triều Tiên sở hữu một loạt tên lửa, đang phát triển hoặc đã được triển khai có khả năng mang một đầu đạn thông thường, hóa học hoặc hạt nhân. Tên lửa đẩy tầm xa Unha-3 chưa bao giờ được thử nghiệm với tư cách vũ khí tấn công, nhưng với tầm bay 10.000km, tên lửa này có thể vươn tới các vùng phía tây nước Mỹ. Tên lửa tầm trung Taepodong-1 và –X có khả năng bao trùm toàn nước Nhật, một số vùng của nước Nga và Trung Á cũng như một số căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Còn hỏa tiễn tầm ngắn Scud-D, với tầm bắn 700km, sẽ là mối đe dọa đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng hệ thống dẫn đường vẫn còn thô sơ và hệ thống đẩy không ổn định. Một quan chức Mỹ cho rằng Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc phóng tên lửa 3 lớp và họ đang tích cực nghiên cứu cách đưa đầu đạn hạt nhân lên chóp tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tầm trung.
4. Khi Triều Tiên phóng tên lửa, làm sao biết được tên lửa đó mang đầu đạn hạt nhân?
Về cơ bản không có cách nào cả. Nhiều chuyên gia cho rằng khó mà biết trước điều này. Do vậy sẽ có khả năng người Mỹ quyết định bắn hạ tên lửa của Triều Tiên dù rằng phía Mỹ thường tuyên bố họ sẽ lưỡng lự về việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi bay trên Thái Bình Dương, trừ phi tên lửa đó lao về một mục tiêu xác định trên đất Mỹ.
5. Tình báo Mỹ vẫn chưa nắm được chi tiết chương trình hạt nhân Triều Tiên. Vì sao?
Quốc gia Triều Tiên hiện có mức độ khép kín cao, lại chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trên đất liền, Triều Tiên chỉ giáp có Trung Quốc (ở mạn bắc và tây). Việc nhập cảnh vào Triều Tiên là hạn chế. Thông tin liên lạc qua truyền hình, phát thanh, internet và điện thoại di động cũng được “quản lý” rất chặt chẽ.
Vài tháng sau khi quốc gia Đông Bắc Á này thử hạt nhân dưới lòng đất lần 3, tình báo Mỹ vẫn không tài nào xác định được chính xác chất liệu gây nổ là uranium hay các loại phóng xạ khác.
Mike Chinoy, cựu phóng viên thường trú của CNN từng đến Triều Tiên 15 lần, cho biết vào năm 1998 đã xảy ra 1 chuyện tương tự. Các vệ tinh do thám của Mỹ phát hiện 1 tổ hợp ngầm dưới lòng đất ở Kumchangri, cách không xa cơ sở hạt nhân Triều Tiên tại Yongbyon. Khi ấy trong cộng đồng tình báo Mỹ đã nổ ra một cuộc tranh cãi kịch liệt về việc có phải đó là bằng chứng cho một lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, một cơ sở vũ khí hạt nhân bí mật hay một cái gì đó khác. Rốt cuộc, Chinoy cho hay, đó chỉ là một khu tổ hợp trống không./.