Pháp điều tra trận Điện Biên Phủ: Các bại tướng nói gì?
VOV.VN - Các tướng lĩnh “dính” trực tiếp vào trận chiến ở thung lũng Điện Biên đã phải trải qua nhiều phiên điều trần căng thẳng.
Phải ra điều trần trước Ủy ban điều tra bí mật về Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh Pháp như Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương Henri Navarre, Chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ Réné Cogny hay Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ De Castries đã nói những gì?
Hàng trăm trang tài liệu về từng câu hỏi-đáp được lưu giữ tại Trung tâm lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp giúp hình dung lại những phiên điều trần chi tiết và căng thẳng này. Điều đáng nói là tất cả đã bị giữ kín trong 50 năm và sau khi được giải mật, chúng cũng không được nhiều người biết đến, nên những phát ngôn của cựu tướng lĩnh Pháp cũng trở thành “câm lặng”.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp giới thiệu một số nội dung điều trần đáng chú ý chọn lọc từ hàng trăm trang tài liệu đó…
Tiến sĩ, Đại úy Pháp, Ivan Cadeau, trao đổi với phóng viên VOV |
Đại úy Ivan Cadeau (ngoài cùng bên trái) nói đến Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ tại một hội thảo về Đông Dương ở Paris tháng 3/2014 |
Tướng Navarre: “…Tôi không biết gì về Đông Dương”
-Chủ tịch Ủy ban điều tra -Tướng George Catroux: “Ông đã mong muốn có một phiên họp của Ủy ban điều tra và hôm nay ủy ban đã họp. Vậy trước hết bắt đầu với câu hỏi đầu tiên trong danh sách. Đó là “việc được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương” với ông chắc hẳn là một điều không trông đợi. Vậy khi đó ông cảm thấy thế nào? Liệu ông đã phần nào do dự ?”
-Tướng Henri Navarre : “… Khi đó, tháng 5/1953, tôi đang là Tổng chỉ huy lực lượng bộ binh tại Trung Âu và thời điểm ấy, tôi đang có mặt tại Đức. Đột nhiên, tôi bị gọi về Paris. Và tướng Juin, khi gặp tôi ở Paris, thông báo rằng tôi được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương… Ông ấy không giấu diếm rằng tôi sắp được đưa vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm nhưng cũng nói rõ với tôi rằng khó có thể từ chối bởi “cần có một người nắm giữ vị trí này”…
Ngày hôm sau, khi gặp Thủ tướng Rene Mayer, tôi đã nhấn mạnh rằng tôi không biết chút nào về Đông Dương và Viễn Đông, nơi mà tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Nhưng ông Mayer đã nói rằng đó lại là lý do ông ấy chọn tôi, bởi tôi có thể nhìn nhận mọi thứ với một cái nhìn mới…”
Đó là trích phần trả lời của Tướng Pháp Henri Navarre đối với câu hỏi đầu tiên về phản ứng khi được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương với mục đích là “tìm một lối ra trong danh dự cho quân Pháp”.
Phần điều trần của Tổng tư lệnh Henri Navarre tiếp đó đi sâu vào các vấn đề mà ông bị kết tội: Đó là việc đưa ra kế hoạch mang tên “Navarre” lựa chọn tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ; sự lạc quan đối với khả năng chiến thắng ở Điện Biên Phủ; việc thiếu thông tin về đối thủ cũng như nhận định sai về thực lực của quân Pháp trước trận Điện Biên Phủ…
>> Đọc bài: Sĩ quan Pháp nói về Ủy ban điều tra trận Điện Biên Phủ
Đại úy Ivan Cadeau, tiến sĩ nghiên cứu về Đông Dương và đặc biệt phụ trách đề tài về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ cho rằng trong bối cảnh khó khăn và bị hạn chế, phần nào tướng Navarre đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Lời của Đại úy Ivan Cadeau: “Ông ấy đến Đông Dương mà không biết gì về nơi này, chỉ có đọc các báo cáo, phải dựa trên kế hoạch của người tiền nhiệm Salan, rồi phải nảy sinh ý tưởng. Tôi thì cho rằng ông ấy phần nào làm đúng việc của mình, từ những gì ông ấy đã đọc, những cuộc thảo luận ông ấy đã đọc và thảo luận thì ông ấy đã cho ra kế hoạch Navarre, quyết định từ 1953-1954 không có trận đánh lớn nào ở miền Bắc. Và giai đoạn 1954-1955 sẽ tiến hành trận đánh lớn nhờ sự hậu thuẫn của quân Mỹ.
Kế hoạch của ông ấy được thông qua, nhưng có một số câu hỏi ông ấy không có câu trả lời và chủ yếu là trả lời từ phía chính quyền. Ví dụ ông ấy hỏi nếu Việt Minh đe dọa khu vực phía Lào thì tôi phải làm gì, ông ấy không có câu trả lời, đến tháng 10 thì Pháp ký thỏa thuận quân sự với Lào, nhưng kể cả lúc đó Navarre cũng không có sự chỉ đạo rõ ràng. Đến tháng 11, Navarre quyết định đánh Điện Biên Phủ một phần là để bảo vệ Lào, theo hiệp ước quân sự mà Pháp ký với Lào. Đây là vấn đề lớn, đáng nhẽ phải là quyết định từ phía chính quyền chính trị, nhưng Navarre chỉ có sự chấp thuận từ phía Tổng ủy Pháp tại Đông Dương Maurice Dejean.”
Hàng trăm tài liệu của Ủy ban điều tra Pháp về Điện Biên Phủ, mà phóng viên VOV chụp hình được |
Như phân tích của Đại úy Ivan Cadeau, Tổng tư lệnh Navarre chỉ trích mạnh mẽ sự thiếu quan tâm của chính phủ Pháp khi đó đối với cuộc chiến tại Đông Dương; không có những chỉ đạo, định hướng cụ thể từ Paris, khiến ông phải tự hoạch định kế hoạch chiến tranh.
Tướng Salan không hài lòng
Trích điều trần của Tướng Navarre:
-“Ngay khi tới Đông Dương, tôi cảm nhận rằng tướng Salan không mấy vui vẻ khi tiếp tôi. Ba ngày sau khi tôi tiếp quản tại Đông Dương, có một bức điện của ông Bodard, phóng viên thường trú của tạp chí France-Soir, nêu rõ tình hình ở Đông Dương đang nguy kịch bởi tướng Salan đã không có ý tưởng và tôi sẽ phải là người triển khai… Tướng Salan đã không hài lòng và bức điện đó phần nào gây căng thẳng quan hệ giữa chúng tôi. (…) Tướng Salan đã đưa cho tôi một số tài liệu, trong đó có kế hoạch của ông ấy mà sau này tôi dựa vào đó để đưa ra kế hoạch của tôi. (…)
-“Tướng Salan không hề trao cho tôi bất kỳ chỉ đạo nào của chính phủ. Mãi đến tận hôm nay, tôi mới biết rằng có một chỉ đạo của Thủ tướng Rene Mayer vào ngày 18/4/1953.”
Phê phán bệnh lạc quan “tếu”
Trước Ủy ban điều tra, tướng Navarre cũng chỉ trích sự lạc quan thái quá lúc ấy của phần đông quan chức chính trị và quân sự vào thời điểm ông tiếp quản Đông Dương.
“Khi đến Đông Dương, tôi đã phần nào bị ảnh hưởng bởi tâm lý lạc quan ngự trị vào thời điểm đó. Sau đó tôi đã dần dần cảm thấy sự lạc quan là sai lầm nhưng vẫn không tránh khỏi bị ảnh hưởng trong kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ của tôi.
(…) Khi tôi hỏi tướng Salan là có bao nhiêu quân Việt Minh? Ông ấy đã đưa ra con số 40.000. Vài ngày sau, người phụ trách Phòng Nhì cho tôi con số 60.000. Tôi đã nói với ông ta về con số lạc quan hơn của tướng Salan. Nhưng người phụ trách Phòng Nhì nói rõ 60.000, theo ông ta, là con số tối thiểu. Thực tế, đã có từ 70 – 75.000 quân Việt Minh."
Câu chuyện về tâm lý “khinh địch” dẫn đến thất bại là một nội dung chính mà Ủy ban Điều tra xoáy vào khi chất vấn các tướng Navarre, Cogny và De Castries.
Theo Đại úy Ivan Cadeau, tướng Navarre đã khá thận trọng khi đề nghị với tướng De Castries tăng viện binh trước trận Điện Biên Phủ, nhưng ông De Castries đã từ chối: “Phải nói rằng từ tháng 1/1954, tức vài tháng trước khi trận Điện Biên Phủ diễn ra, nếu có một người nào đó không tự tin nhất về chiến thắng của quân đội Pháp thì đấy chính là tướng Navarre. Đến tháng 3, trong chuyến đi thăm Điện Biên Phủ lần cuối, ông có đề nghị với tướng De Castries là tăng thêm quân.
Tại sao ông lại làm thế? Không hẳn là để có thêm nhiều quân mà cái chính là làm rối loạn tính toán và tổ chức của đối phương. Bộ Tổng tham mưu quân Pháp biết rất rõ quân đội Việt Minh là một đội quân rất có tổ chức, rất kỷ luật và rất nguyên tắc, tức họ sẽ không bao giờ tấn công nếu không tính toán đầy đủ tất cả các thiệt hại và các phương án dự phòng. Chính vì thế, nếu đưa thêm 3 tiểu đoàn quân Pháp lên Điện Biên Phủ thì sẽ làm đảo lộn kế hoạch tác chiến của quân Việt Minh, họ sẽ không biết 800, 900 lính đó sẽ đặt ở đâu… Mục đích chính của tướng Navarre khi đó, là để kéo dài thêm thời gian, làm rối loạn toan tính của đối phương.”
Ngoài ra, về khả năng cứu viện của quân Mỹ, tướng Navarre khẳng định với Ủy ban điều tra rằng “Ở vào thời điểm tôi đến Đông Dương, tuyệt đối chưa có ý kiến nào về việc đó. Có chăng chỉ có vài giả thuyết về việc Mỹ can thiệp khi quân đội Trung Quốc can thiệp hay có chăng cũng chỉ là sự hỗ trợ của Mỹ về tài chính, vũ khí, hay tàu sân bay trong trường hợp khẩn cấp, chứ câu hỏi về sự can thiệp quân sự của Mỹ thì chưa được nói đến.”
Phần hỏi đáp của tướng Navarre |
Chất vấn
- Chủ tịch Ủy ban điều tra: “Hồi đó không ai nghĩ rằng có thể tạo lối thoát khỏi Đông Dương mà không phải tiến hành một trận đánh lớn ư ?”
- Tướng Navarre: “Chắc chắc là không. Tôi tin rằng ở vào thời điểm tôi tới, không ai nghi ngờ khả năng chiến thắng ở Đông Dương. Tôi tin rằng chính phủ Pháp muốn tìm một lối ra cho phép, hoặc là thương lượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc có được sự nhất trí của Trung Quốc ngừng giúp quân Việt Minh; hay khả năng thương lượng với hai chính phủ ở Việt nam. Có một số lối ra nhưng giải pháp Mỹ tấn công quân sự thì hoàn toàn không được nói đến khi đó.”
(…)
-Chủ tịch Ủy ban điều tra: “Vậy thì phải đến khi diễn ra trận Điện Biên Phủ, thì khả năng Mỹ tấn công mới được nghiên cứu đến?
-Tướng Navarre: “Đúng là khả năng Mỹ can thiệp quân sự chỉ được nghiên cứu vào thời điểm trận Điện Biên Phủ.”
Yếu kém của tướng Cogny
Đối với tướng Réné Cogny, chỉ huy quân Pháp tại Bắc Bộ, cấp phó của Tổng tư lệnh Navarre, thì câu hỏi chính cũng là đòi hỏi của ông Cogny là yêu cầu ủy ban điều tra làm sáng tỏ bất đồng giữa ông và ông Navarre. Lời khẳng định của ông Navarre có mặt trong hầu hết các nội dung được điều trần, nhấn mạnh rằng mỗi vấn đề trong kế hoạch tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ ông đều bàn bạc với ông Cogny cũng như chỉ huy không quân, chỉ huy lực lượng bộ binh của Pháp tại Đông Dương. Lập luận này của tướng Navarre khác biệt so với lời chỉ trích của tướng Cogny rằng ông không đồng ý với kế hoạch của Navarre từ đầu. Thậm chí, tướng Cogny còn tập hợp bộ hồ sơ có tên “Bất đồng về Điện Biên Phủ”, trong đó có các tài liệu, các bài báo, các quyết định để trình lên Ủy ban điều tra lý giải rằng ông “vô can” trong kế hoạch của Navarre. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra đi sâu vào chất vấn ông Cogny về việc cáo buộc rằng ông không truyền tải đúng mệnh lệnh của Tổng tư lệnh Navarre đến cấp dưới, hay có lúc còn vượt cấp, ra chỉ thị trước cả chỉ thị của tổng tư lệnh… Đó cũng là lý do khiến phán xét của Ủy ban điều tra đối với ông Cogny có phần nặng nề hơn.
Bức thư của tướng Cogny yêu cầu Ủy ban điều tra làm sáng tỏ mâu thuẫn giữa ông và Tổng tư lệnh Henri Navarre |
Trang đầu tiên phần trả lời của tướng Cogny trước Ủy ban điều tra |
Ý kiến của Đại úy Ivan Cadeau thuộc Bộ Quốc phòng Pháp: “Đầu tiên, như Ủy ban điều tra kết luận, là việc tướng Cogny có quan hệ quá mật thiết với giới báo chí, nói quá nhiều trên mặt báo. Trách cứ thứ hai của Ủy ban đối với tướng Cogny, đó là ông đã không chỉ huy trận chiến ở Điện Biên Phủ một cách đầy đủ, trước và sau cuộc chiến. Trước là như thế nào? Một trong những ví dụ là về việc xây dựng các công sự. Chính tướng Navarre cũng đã nói rằng các công sự tương đối thiếu và yếu. Ủy ban điều tra cũng kết luận là tướng Cogny không chỉ huy tốt việc xây dựng các công sự, không điều đủ cấp phó đến những công sự trọng yếu…Một ví dụ khác mà tướng Cogny bị cho là không làm tốt là việc điều phối tác chiến giữa máy bay với lực lượng mặt đất.
Ngoài ra, tướng Cogny cũng bị khiển trách là đã không suy nghĩ thấu đáo. Chẳng hạn, Ủy ban có hỏi tướng Cogny là “nếu quân Việt Minh không tấn công ở Điện Biên Phủ thì các ông sẽ làm gì? Sẽ tiếp tục ở lại Điện Biên Phủ hay có kế hoạch nào khác? Liệu có tính đến khả năng đó hay chưa?... Việc thiết lập một cứ điểm lên đến 10.000 lính cách xa Hà Nội 300km là chuyện không đơn giản. Lập ra rồi thì liệu đã tính đến việc rút lui chưa?” Tướng Cogny đã không trả lời được. Nói chung, kết luận đưa ra là tướng Cogny và bộ Tổng tham mưu quân Pháp đã không đào sâu mọi giả thuyết, đặt mọi khả năng có thể xảy ra để tính toán.”
Ỷ vào hỏa lực mạnh
-Tướng De Castries: “Tôi đã phạm phải một suy nghĩ sai lầm nhưng khá phổ biến, đó là tin rằng hỏa lực có thể hỗ trợ chính trong trường hợp kẻ thù hành động.”
-Chủ tịch Ủy ban điều tra: “Đúng là suy nghĩ sai lầm đó của ông tất cả mọi người khác cũng đều nghĩ như vậy. Chính chỉ huy lực lượng pháo binh của ông Đại tá Pirotte dường như cũng rất chắc chắn về điều đó?
-Tướng De Castries: “Đại tá Pirotte đã rất tự tin. Không chỉ rất tự tin, ông ấy cũng không bao giờ nói với tôi rằng : "không, sẽ không ổn đâu.” Và chỉ huy pháo binh của lực lượng Pháp tại Bắc bộ (F.T.N.V) còn chắc chắn hơn cả đại tá Pirotte.”
Không có chỗ để nhét thêm quân
Đối với tướng De Castries, người trực tiếp chỉ huy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Ủy ban điều tra đi sâu chất vấn ông về từng diễn biến trên chiến trường. Chủ yếu ông bị chỉ trích do đã chủ quan khinh địch dẫn đến thảm bại trước Việt Minh. Giải thích trước Ủy ban điều tra, ông De Castries cho biết các thông tin tình báo đều cho rằng Pháp chỉ cần 9 tiểu đoàn để chống lại quân Việt, thay vì 12 như yêu cầu tăng viện binh của tướng Navarre.
Phần điều trần của tướng De Castries |
Đại úy Ivan Cadeau phân tích suy nghĩ của tướng De Castries: “Tướng De Castries trước hết nghĩ, như chính điều ông đã nói ra, là dù chiến sự có khốc liệt nhưng quân của ông ấy vẫn sẽ trụ vững được. Thứ hai, tướng De Castries có một suy nghĩ rất thực tế, đó là nếu tăng thêm quân thì ông ấy cũng không biết sẽ xếp số quân đó vào đâu vì thêm 3 tiểu đoàn không phải là chuyện đơn giản với tất cả các vấn đề về hậu cần, hầm trú ẩn… Thế nên, với tướng De Castries lúc đó, câu chuyện chỉ là không biết lo sắp xếp và bảo vệ 3 tiểu đoàn đó như thế nào, vì vậy ông ấy đã nói “Không” với đề nghị của tướng Navarre . Cuối cùng, ông ấy cũng nghĩ là khi chiến sự đã nổ ra, nếu cần thì vẫn tăng cường viện binh được bằng các tiểu đoàn lính dù hay máy bay một cách nhanh chóng.”
>> Xem thêm: Mỹ định ném bom hạt nhân để giải vây cho quân Pháp tại Điện Biên
Và cuối cùng trong trường hợp tướng De Castries, Ủy ban điều tra đưa ra kết luận rằng một người khác, ở vào vị trí của ông này, cũng sẽ khó có thể làm tốt hơn. Còn tướng De Castries, sau phán xét của Ủy ban điều tra, sau này gần như không bao giờ nhắc lại câu chuyện Điện Biên Phủ trước công luận, cho tới khi ông qua đời./.
>> Đón xem Bài 3: Vén màn mâu thuẫn thượng tầng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương