Số phận và vai trò của tù binh Đức ở Liên Xô trong và sau Thế chiến II
VOV.VN - Hơn 4 triệu lính Đức bị bắt, tống giam, và đưa đi lao động ở Liên Xô sau Thế chiến II. Họ đã đóng vai trò đáng kể trong việc cung cấp nhân lực tái thiết Liên Xô hậu chiến tranh. Và không phải ai trong số các tù binh này cũng có cơ hội về được quê hương.
Helmut Bon – một cựu lính Đức, chia sẻ suy nghĩ khi anh ta bị binh sĩ Liên Xô bắt được ở khu vực Pskov vào tháng 2/1944: “Nếu tôi sống sót, tôi sẽ có điều kiện tìm hiểu những người Bolshevik là như thế nào. Có lẽ chủ nghĩa cộng sản thực sự là con đường lý tưởng cho nhân dân. Rốt cuộc, chúng tôi cũng đã làm nhiều điều sai trái”.
Bohn sống ở Liên Xô từ năm 1944-1947 với tư cách là tù binh. Sau này anh ta miêu tả trải nghiệm của mình trong cuốn sách nhan đề “Ở Cánh cổng Cuộc sống”. Tuy nhiên, không phải tù binh Đức nào lao động ở Liên Xô cũng sống đến ngày cuối để viết được sách.
Nhân tố thay thế cho tổn thất của Liên Xô ngay trong chiến tranh
Sử gia Vladimir Vsevolodov viết: “Liên Xô coi tù binh như nguồn lao động, như nguồn nhân lực phục vụ nền kinh tế không chỉ trong chiến tranh mà cả trong thời kỳ hậu chiến”. Giới chức Liên Xô khi ấy đã tận dụng chính tù binh Đức để bù đắp cho các tổn thất về dân số của Liên Xô sau chiến tranh.
Tại Hội nghị Tehran năm 1943, Stalin đã xác định con số tù binh mà Liên Xô cần. Stalin lập luận rằng Liên Xô cần một “thành phần thay thế” – khoảng 4 triệu người Đức, những người này sẽ phải khôi phục lại các thành phố Liên Xô bị tàn phá và cải thiện ngành công nghiệp. Sử gia Elena Shmaraeva lưu ý, con số trên được tính toán dựa trên số lượng xấp xỉ các binh lính Liên Xô hy sinh hoặc mất tích vào thời điểm diễn ra Hội nghị Tehran, cũng khoảng 4 triệu người.
Vào năm 1944, Liên Xô đã thiết kế một chương trình lao động dành cho các tù binh Đức.
Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov viết cho Stalin: “Việc rút vài ngàn đơn vị lao động ra khỏi nền kinh tế quốc dân của Đức mỗi năm sẽ tất yếu làm suy yếu nền kinh tế đó và tiềm năng quân sự của chúng”. Tuy nhiên, trong quá trình chiến tranh, hơn 3 triệu công dân Liên Xô đã bị bắt đưa sang lãnh thổ Đức để lao động nặng nhọc. Do vậy Liên Xô muốn bù đắp cho điều đó, cũng như cho hàng chục triệu người thiệt mạng trong chiến tranh.
Cục Tù binh và Người lao động đã được thành lập ở Liên Xô trước khi chiến tranh bùng nổ. Vào năm 1941, có 8 trại lao động cải tạo dành cho tù binh ở Liên Xô, nhưng số lượng tù binh tăng chậm chạp: khoảng 10.000 vào năm 1941 và năm 1942. Sau trận chiến Stalingrad và thắng lợi của Liên Xô ở vùng Don, số lượng tù binh tăng vọt: trên 200.000 người vào năm 1943 và hơn 800.000 người vào cuối Thế chiến II.
Hành trình chính thức dành cho một tù nhân Đức là như sau: Từ nơi bị bắt, họ được đưa tới các trại tiếp nhận và trung chuyển, rồi từ đó đưa tới các trại ở sâu trong lục địa. Trong thực tế chiến tranh, hầu hết tù binh ở lại tại các trại tiền tuyến, sống trong lều hoặc hố cá nhân.
Helmut Bon viết: “Trước khi tới trại, khẩu phần hàng ngày của chúng tôi là khoảng 1 lít xúp lỏng, 300 gam bánh mì cũ. Ngày đó, chúng tôi được lệnh chẻ củi cho bếp dã chiến của người Nga. Bữa tối chúng tôi có thêm chút trà nóng. Chúng tôi, gồm khoảng 12 tù binh, chịu sự giám sát của một nữ thiếu úy Hồng quân.
Nhân lực phổ thông và chất lượng cao được huy động rầm rộ
Vào năm 1946, có 240 trại lao động dành cho tù binh thuộc các quốc tịch khác nhau ở Liên Xô. Nơi đây giam giữ hơn 1 triệu tù binh. Tuy nhiên, như thế chưa đủ để trám vào mục tiêu 4 triệu mà Liên Xô mong muốn, nên nước này bắt đầu thu giữ và huấn luyện tù binh từ nước ngoài.
Vào năm 1944, sau khi Hồng quân tiến vào lãnh thổ Romania, Nam Tư, Hungary, Bulgaria, và Tiệp Khắc, Bộ Quốc phòng Liên Xô ra lệnh “huy động và đào tạo tất cả các người Đức sống trên lãnh thổ các nước trên, nam giới từ 17 đến 45 tuổi, phụ nữ từ 18 đến 30 tuổi, bất chấp quốc tịch”.
Sử gia Pavel Polyan viết rằng hơn 112.000 người đã được thu nhận từ các nước đó để tới lao động ở Liên Xô. Những người được huy động này được phép mang theo tới 200kg hành lý.
Sau chiến tranh, sử gia Elena Shmaraeva viết rằng tới 3,8 triệu tù binh Đức bị giam giữ ở Liên Xô. Khoảng 2,4 triệu người là binh lính và sĩ quan, bị giam trong các trại tù binh, còn số còn lại là người dân tộc Đức thu nhận về từ các nước châu Âu và được phân công vào các “tiểu đoàn lao động”.
Tù binh xây dựng lại nhà máy, xây đập nước, đường sắt, hải cảng... Họ cũng xây và phục hồi nhà cửa, bao gồm các tòa chung cư cho nhân viên của Bộ Nội vụ. Các tù binh Đức xây dựng sân vận động Dinamo ở Moscow. Họ cũng lao động trong nhà máy thủy tinh ở Lytkarino, ngoại ô Moscow. Một tòa nhà lưu trữ tư liệu ở Krasnogorsk (vùng Moscow) đã được xây dựng dựa trên thiết kế của kiến trúc sư Đức Paul Spiegel.
Các chuyên gia cao cấp như Spiegel đã được Liên Xô lựa chọn để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.
Sử gia Stefan Karner viết rằng vào năm 1946, hơn 1.600 chuyên gia cấp cao đã được giao về các ngành công nghiệp khác nhau của Liên Xô: “570 kỹ sư, 260 kỹ sư dân dụng và kiến trúc sư, khoảng 220 kỹ sư điện, hơn 110 tiến sĩ vật lý và toán học, cũng như các môn khoa học kỹ thuật”. Nhóm này được hưởng điều kiện tốt hơn so với các trại cải tạo và các “tiểu đoàn lao động”. Họ sống trong thành phố, gần các khu công nghiệp hoặc các cơ sở mà họ làm việc, được trả lương, một nửa trong đó là bằng đồng DM. Tuy nhiên, bất cứ chuyên gia nào cũng có thể bị đưa trở lại trại nếu công việc của họ không thỏa mãn được giới chức.
Các lao động Đức và cựu binh sĩ Đức bình thường thì làm việc tại các công trường xây dựng..., họ cũng được trả lương cho sinh hoạt tại Liên Xô. Chẳng hạn các cựu binh nhì được trả 7 rúp mỗi tháng, cựu sĩ quan cấp cao thì nhận 10-30 rúp. Số tiền này là nhỏ nhoi, vì một cốc sữa đã trị giá 2 rúp, và một đôi giầy tốt có giá trên 150 rúp. Do vậy các tù binh thông thường, vốn không sở hữu kỹ năng gì đặc biệt, phải tìm thêm cách để tồn tại.
Điều kiện làm việc tại các trại tất nhiên là rất khó khăn, vất vả. Tù nhân Đức Reinchold Braun viết: “Ban đầu, chúng tôi phải chất gỗ lên 2 toa tàu trong một ca lao động, sau đó định mức nâng lên thành 3 toa. Chúng tôi buộc phải làm việc 16 tiếng một ngày, cả vào chủ nhật và ngày lễ. Chúng tôi về trại vào lúc 9, 10h tối, có thể cả lúc nửa đêm. Chúng tôi ăn tối bằng xúp lõng bõng rồi nằm vật ra ngủ. Sáng hôm sau, tầm 5h, chúng tôi lại đi làm”.
Cựu sĩ quan Heinrich Eichenberg viết: “Vấn đề miếng ăn cao hơn tất cả. Người ta sẵn sàng bán rẻ tinh thần và thể xác chỉ để có một đĩa xúp hoặc một mẩu bánh mì. Cái đói khiến người ta thoái hóa biến chất, nhiều khi trở thành thú vật. Tình trạng ăn cắp sản phẩm của chính đồng đội mình rất phổ biến”.
Tù binh Đức được huy động cho việc đốn củi, xây đường bộ và đường sắt ở những vùng sâu hẻo lánh khó tới, cũng như trong việc khai thác mỏ, chẳng hạn urani, than, sắt, đặc biệt là ở vùng lưu vực sông Đông.
Tỷ lệ tử vong trong tù binh Đức là khá cao. Theo các số liệu thống kê của Liên Xô, từ năm 1945-1956 có hơn 356.000 tù binh Đức bị chết. Tuy nhiên, gần 70% các trường hợp tử vong xảy ra trong thời kỳ mùa đông năm 1945-1946. Trong khi đó, theo sử gia Viktor Zemskov, có tới 1,8 triệu công dân Liên Xô qua đời trong các trại tù của Đức thời chiến tranh.
Đường về nhà
Số liệu thống kê chính thức của Liên Xô từ năm 1956 cho hay, 2 triệu tù nhân Đức đã được hồi hương sau khi Thế chiến II kết thúc. Tuy nhiên, với số lượng lớn như vậy thì con số thống kê khó tránh được sai sót. Các nguồn khác thì cho rằng 680.000 tù nhân được thả trong chiến tranh, nhưng con số đó bao gồm các tù binh từ Romania, Slovakia, Hungary, v.v. Theo số liệu Liên Xô, 356.678 tù nhân chết trong các nhà tù Liên Xô và khoảng 37.000 người trong số đó bị kết án vì tội ác chiến tranh.
Trên thực tế, việc hồi hương bắt đầu từ tận tháng 6/1945, khi 225.000 tù binh đầu tiên thuộc diện “ốm yếu” được gửi về quê, trong đó có 195.000 tù binh Đức. Vào tháng 8/1945, thêm 700.000 người nữa, trong đó có 412.000 người Đức, được phóng thích khỏi các nhà tù của Liên Xô.
Sử gia Elena Shmaraeva viết, họ không được phép mang theo tiền, nên những người được hồi hương đã tranh thủ mua kẹo, thuốc lá bằng tiền lương tiết kiệm được, mua bất cứ thứ gì họ có thể mua được trên đường về quê. Như trường hợp Wilhelm Lotse – hồi hương vào năm 1949, mang theo mình gần 6kg bánh bích quy và kẹo, 2.355 điếu thuốc lá, và 600 gam thuốc lá.
Đôi lúc những người hồi hương không được ăn uống trong nhiều ngày khi di chuyển bằng các đoàn tàu xuất phát từ lục địa Nga. Nơi đầu tiên mà tù binh Đức tới trên đất châu Âu là trại Xô viết ở Frankfurt (Oder). Họ sẽ ở lại đó trong 2-3 ngày, trước khi được đưa tới các địa phương tương ứng. Vào năm 1947, tới 70% số tù nhân trong trại này bị ốm.
Việc hồi hương tù binh Đức ra khỏi Liên Xô chính thức kết thúc vào ngày 5/5/1950. Tuy nhiên vẫn còn tù binh Đức trong các năm 1950-1956. Người Nga vẫn nhớ về các tòa nhà do tù binh Đức xây trong thập niên 1950 và ấn tượng về chất lượng tốt của các công trình đó./.