Tiềm lực tài chính của Taliban có được từ đâu?
VOV.VN - Khi các thành viên của Taliban tiến vào dinh tổng thống ở Kabul, lực lượng này không còn là Taliban của hơn 20 năm trước. Điều này đặt ra câu hỏi: Taliban đã chi trả như thế nào cho chiến dịch của mình trên khắp Afghanistan trong suốt thời gian qua.
Với hàng tỷ USD Mỹ đổ vào Afghanistan, nhiều người nhận định Taliban sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi sức mạnh và tiền bạc Mỹ. Thế nhưng, Taliban lại ngày càng lớn mạnh, đủ sức kìm chân Mỹ và đồng minh suốt 20 năm qua và giành chiến thắng cuối cùng.
Khi các thành viên của Taliban tiến vào dinh tổng thống ở Kabul, lực lượng này không còn là Taliban của hơn 20 năm trước.
Điều này đặt ra câu hỏi: một lực lượng Taliban với khoảng 75.000 chiến binh làm thế nào để có thể đánh bại được lực lượng an ninh Afghanistan và Taliban đã chi trả như thế nào cho chiến dịch của mình trên khắp đất nước?
Taliban có doanh thu 1,6 tỷ USD
Báo cáo của Liên Hợp Quốc về nguồn tài trợ của Taliban được công bố trong tháng 6 vừa qua cho thấy: “Nguồn tài chính chủ yếu của Taliban vẫn là các hoạt động tội phạm, bao gồm buôn bán ma túy và sản xuất thuốc phiện, tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và nguồn thu từ việc thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc có ảnh hưởng”.
Báo cáo được tổng hợp từ thông tin do các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cung cấp cũng cho thấy Taliban nhận được hỗ trợ tài chính dưới hình thức quyên góp từ các cá nhân giàu có và từ mạng lưới các nhóm từ thiện phi chính phủ.
Mặc dù không thể xác định chính xác, nhưng ước tính thu nhập hàng năm do Taliban tạo ra nằm trong khoảng từ 300 triệu USD đến 1,6 tỷ USD.
Con số khổng lồ này cũng được chính Taliban công bố. Mullah Yaqood, lãnh đạo và là con trai của người sáng lập Taliban, Mullah Mohammad Omar, cho biết, lực lượng này thu được 1,6 tỷ USD trong 1 năm tính đến tháng 3/2020.
Con số này tương đương với khoảng 1/3 tổng thu nhập của chính phủ Afghanistan.
Một báo cáo NATO cho biết, giới lãnh đạo Taliban đã chủ trương tự lực xây dựng nguồn thu mạnh để trở thành một lực lượng quân sự, chính trị lớn, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Khai thác mỏ
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, các mỏ khoáng sản chưa được khai thác ở Afghanistan có giá trị gần 1.000 tỷ USD.
Theo thông tin các quốc gia thành viên cung cấp cho Liên Hợp Quốc, Taliban đã thu được lợi nhuận 464 triệu USD từ các hoạt động trực tiếp khai thác và áp thuế đối với các công ty khai thác đồng, dầu, khí đốt, coban, vàng, sắt, lithium và lapis lazuli.
“Taliban có được thu nhập từ các hoạt động khai thác trực tiếp dưới sự kiểm soát của họ, cùng với nguồn thu khác từ một số khu vực khai thác do các lãnh chúa kiểm soát”, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
Thuốc phiện
Thuốc phiện, thành phần chính để điều chế morphin, codein và heroin, vẫn là một trong những nguồn thu lớn nhất của Taliban.
Afghanistan là nguồn cung cấp khoảng 84% nguồn cung cấp thuốc phiện trên toàn thế giới, theo Báo cáo về Ma túy Thế giới năm 2020 của Liên Hợp Quốc.
Phần lớn lợi nhuận đang đổ về Taliban. Theo Cơ quan Nghiên cứu và Đánh giá Afghanistan, Taliban áp thuế 10% đối với mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất thuốc phiện.
Tống tiền
Taliban thu được khoảng 160 triệu USD từ việc tống tiền. Những người lái xe trên đường cao tốc do Taliban kiểm soát bị thu phí cầu đường. Các chủ cửa hàng buộc phải nộp thuế trực tiếp cho Taliban tại các khu vực do lực lượng này kiểm soát.
Nhà phân tích chính sách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan Hanif Sufizada cho biết, nông dân cũng phải nộp “ushr”, tức thuế 10% đối với thu hoạch của họ, ngoài thuế tài sản 2,5%.
Các ngành khác bị Taliban đánh thuế bao gồm truyền thông, viễn thông và các dự án phát triển.
Thuế nhập khẩu
Taliban cũng “bòn rút” hàng triệu USD từ nền kinh tế Afghanistan bằng cách áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa vào nước này, sau khi lực lượng này chiếm giữ một số đồn biên phòng quan trọng.
Chính phủ Afghanistan đã mất 2,7 tỷ Afghani (tương đương 33 triệu USD) vào tháng 7 sau khi Taliban chiếm giữ 8 đồn hải quan dọc biên giới với Pakistan, Iran, Turkmenistan và Tajikistan.
“Việc Taliban chiếm đóng các cửa khẩu biên giới quan trọng có thể khiến chính phủ Afghanistan không thu được khoản tiền hải quan đáng kể”, Tổng Thanh tra Đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan cho biết.
Tiền tài trợ
Một báo cáo của CIA năm 2008 ước tính Taliban đã nhận được 106 triệu USD tiền quyên góp từ các nguồn nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia vùng Vịnh.
Tuy nhiên, theo BBC, nguồn tài trợ từ các cá nhân có thể lên tới 500 triệu USD/năm.
Taliban cũng không phải chi tiêu nhiều tiền để mua vũ khí, sau khi Afghanistan tràn ngập vũ khí trong cuộc chiến tranh Liên Xô-Afghanistan giai đoạn 1979-1989.
Ông Kamran Bokhari, Giám đốc Viện Newlines nói với Washington Post rằng, bản thân Taliban cũng không tốn nhiều tiền để hoạt động.
“Họ không sống trong những ngôi nhà lớn, không mặc quần áo sang trọng. Khoản chi lớn nhất là tiền lương, vũ khí và huấn luyện”, ông Bokhari cho biết./.