Từ vụ chìm tàu chiến Mỹ đến thảm họa cá mập tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử

VOV.VN - Ngày 30/7/1945, tàu USS Indianapolis của Mỹ bị một tàu ngầm Nhật Bản đánh chìm, khiến hàng trăm thủy thủ rơi xuống khu vực biển có rất nhiều cá mập.

Ngay sau nửa đêm 30/7/1945, tàu USS Indianapolis của Mỹ bị 2 quả ngư lôi Nhật Bản đánh chìm trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Mặc dù khoảng 900 người trong số 1.196 thủy thủ đoàn sống sót, nhưng cơn ác mộng khủng khiếp của họ mới chỉ bắt đầu.

Bị thu hút bởi tiếng động và mùi máu, cá mập bắt đầu tập trung xung quanh khu vực chìm tàu.

Trong 4 ngày và 5 đêm tiếp sau đó, các thủy thủ của tàu USS Indianapolis cố gắng sinh tồn. Họ chia thành các nhóm và cố gắng đẩy thi thể đi để tránh thu hút cá mập lại gần. Tuy nhiên, cá mập vẫn không ngừng tấn công.

Khi cứu viện đến vào ngày 3/8, hàng trăm người đã chết và chỉ còn 316 người được cứu. Nhiều người chết vì suy kiệt và có tới 150 người chết vì bị cá mập tấn công.

Đó là một trong những vụ cá mập tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Vai trò của tàu USS Indianapolis trong Thế chiến II

Trước vụ cá mập tấn công, tàu tuần dương hạng nặng lớp Portland USS Indianapolis đã đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Thái Bình Dương trong suốt Thế chiến II. Tàu USS Indianapolis đang thực hiện các cuộc huấn luyện gần đảo Johnston khi Trân Châu Cảng bị quân đội Nhật Bản tấn công – sự kiện dẫn đến việc Mỹ quyết định tham gia vào Thế chiến II.

USS Indianapolis sau đó gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 12 và săn tìm các tàu sân bay Nhật Bản tham gia vào cuộc tấn công Trân Châu cảng.

USS Indianapolis đã tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng, bao gồm Trận đánh Attu, cuộc đổ bộ Quần đảo Gilbert, chiến dịch Quần đảo Marshall...

Vào tháng 2/1945, USS Indianapolis hỗ trợ các lực lượng đổ bộ trong cuộc tấn công Iwo Jima, sau đó là Trận chiến Okinawa. Cuối tháng 3 cùng năm, tàu bị một máy bay kamikaze tấn công, thiệt hại nghiêm trọng và cần phải sửa chữa.

Sau khi sửa chữa, thủy thủ đoàn của USS Indianapolis được giao một nhiệm vụ tuyệt mật: vận chuyển các bộ phận của quả bom nguyên tử "Little Boy" đến đảo Tinian trước vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki. Nhiệm vụ được bảo mật đến mức nhiều thành viên thủy thủ đoàn không biết họ đang vận chuyển thứ gì. Họ hoàn toàn không biết gì về nhiệm vụ này khi USS Indianapolis di chuyển 8.000km từ San Francisco đến Tinian chỉ trong 10 ngày (từ 16-26/7) và dỡ hàng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bí mật, USS Indianapolis đi đến Guam rồi lại tiếp tục ra vịnh Leyte, Philippines vào ngày 28/7. Tàu có kế hoạch gặp tàu USS Idaho trước khi cuộc tấn công Nhật Bản được quân đồng minh chuẩn bị. Tuy nhiên, nó đã không bao giờ đến được đích và vụ cá mập tấn công xảy ra chỉ 2 ngày sau đó.

Vụ chìm tàu USS Indianapolis và thảm họa cá mập tấn công

Mặc dù Thế chiến II đã kết thúc ở châu Âu, nhưng nó vẫn tiếp diễn ở khu vực Thái Bình Dương. Vào lúc sau nửa đêm 30/7/1945, Chỉ huy tàu ngầm Nhật Bản Mochitsura Hashimoto phát hiện USS Indianapolis đang ở trong tầm bắn nên đã ra lệnh tấn công bằng 6 quả ngư lôi.

Hai quả ngư lôi đã trúng vào bên phải tàu. Quả ngư lôi đầu tiên phát nổ ở kho đạn, gây ra một vụ nổ thảm khốc. Quả ngư lôi thứ hai trúng vị trí gần các bể nhiên liệu, khiến chúng phát nổ thành một cột lửa lớn bao trùm toàn bộ con tàu.

Tàu USS Indianapolis bắt đầu nghiêng mạnh. Chỉ trong 12 phút, nó đã chìm dưới nước, mang theo gần 300 thủy thủ. Tuy nhiên, khoảng 900 người khác sống sót cũng rơi vào tình cảnh vô cùng cam go. Có rất nhiều người bị thương và khi những người sống sót tụ tập trên những chiếc bè, họ nhận ra rằng một thảm họa khác chỉ mới bắt đầu.

Cá mập đã tiếng nổ, sự chuyển động của các thủy thủ sống sót và mùi máu thu hút. Mặc dù ban đầu chúng chỉ tấn công những người đã chết, nhưng rất nhanh chóng, chúng chuyển sang tấn công những người còn sống.

“Đó là một trải nghiệm tồi tệ. Mỗi lần nhìn quanh, lại có ai đó biến mất. Cá mập luôn ở đó. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp”, Harold Bray, một cựu chiến binh hải quân Mỹ sống sót sau vụ cá mập tấn công, kể lại với CBS News vào năm 2023.

Do tính chất tuyệt mật của nhiệm vụ mà USS Indianapolis thực hiện, không có tín hiệu cứu nạn nào được gửi đi và khi tàu không xuất hiện ở đích đến dự kiến, cũng không ai báo cho lãnh đạo của hải quân Mỹ biết.

Trong suốt 4 ngày và 5 đêm, những người sống sót tập trung trên những chiếc bè, cố gắng chống lại cá mập và chống chọi với những tác động của mất nước, thương tích và ngộ độc nước biển.

Hậu quả của vụ cá mập tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử

Ngày 2/8/1945, trong lúc bay tuần tra, trung úy Wilbur C. Gwinn phát hiện một vệt dầu lớn, ban đầu anh nghĩ đó là dấu vết của một tàu ngầm Nhật Bản, nhưng hóa ra đó lại là đống đổ nát của USS Indianapolis.

Gwinn phát hiện những người sống sót và lập tức báo cáo. Một chiến dịch cứu hộ bắt đầu. Đầu tiên là một chiếc máy bay, tiếp đó là một tàu khu trục, chiếc đầu tiên trong 7 tàu cứu hộ.

Mặc dù các tàu cứu hộ đã cứu được hàng trăm người, nhưng tổn thất của vụ cá mập tấn công là vô cùng lớn. Trong tổng số 1.196 thủy thủ đoàn, có 900 người sống sót sau vụ chìm tàu nhưng chỉ có 316 người được cứu sống.

Sau sự kiện, quân đội Mỹ đã đổ lỗi cho thuyền trưởng của tàu USS Indianapolis, Charles B. McVay III. Ông bị đưa ra tòa án quân sự và bị buộc tội “đặt con tàu vào tình huống nguy hiểm do không di chuyển theo đường zigzag” và “không ra lệnh bỏ tàu kịp thời”.

Tuy nhiên, thuyền trưởng tàu ngầm Nhật Bản Hashimoto khi ra làm nhân chứng đã nói rằng dù USS Indianapolis “di chuyển theo đường zigzag” cũng không thay đổi được gì và ông vẫn sẽ tấn công tàu của McVay.

Lời khai của Hashimoto không giúp gì cho McVay. Ông vẫn bị kết án và cuối cùng ông tự sát vào năm 1968. McVay đã nhận được vô số thư và cuộc gọi từ gia đình các thủy thủ đã chết trong vụ cá mập tấn công và ông luôn dằn vặt về vai trò của mình trong thảm kịch. Tuy nhiên, vào năm 2000, Quốc hội Mỹ đã minh oan cho ông và xác nhận rằng phán quyết của tòa án quân sự là một sai lầm.

Mặc dù vụ cá mập tấn công những người sống sót sau vụ chìm tàu USS được ghi nhận là tồi tệ nhất trong lịch sử nhưng điều đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng mà tàu USS Indianapolis đã đóng góp trong suốt Thế chiến II.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ đã mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD như thế nào?
Mỹ đã mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD như thế nào?

VOV.VN - Việc ông Trump một lần nữa nhắc đến ý tưởng mua Greenland khiến người ta nhớ lại câu chuyện nước Mỹ đã mua Alaska như thế nào từ Nga, thậm chí mua được một vùng lãnh thổ rộng lớn với “giá hời”.

Mỹ đã mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD như thế nào?

Mỹ đã mua Alaska từ Nga với giá 7,2 triệu USD như thế nào?

VOV.VN - Việc ông Trump một lần nữa nhắc đến ý tưởng mua Greenland khiến người ta nhớ lại câu chuyện nước Mỹ đã mua Alaska như thế nào từ Nga, thậm chí mua được một vùng lãnh thổ rộng lớn với “giá hời”.

Chiến dịch Muskox: Mỹ từng chuẩn bị chiến đấu với Liên Xô ở Bắc Cực
Chiến dịch Muskox: Mỹ từng chuẩn bị chiến đấu với Liên Xô ở Bắc Cực

VOV.VN - Mặc dù thực tế là về mặt địa lý, với cái lạnh, đầy tuyết và băng, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi đối với Canada trong bảo vệ biên giới phía bắc đất nước, nhưng Ottawa vẫn luôn bất an về vấn đề này.

Chiến dịch Muskox: Mỹ từng chuẩn bị chiến đấu với Liên Xô ở Bắc Cực

Chiến dịch Muskox: Mỹ từng chuẩn bị chiến đấu với Liên Xô ở Bắc Cực

VOV.VN - Mặc dù thực tế là về mặt địa lý, với cái lạnh, đầy tuyết và băng, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi đối với Canada trong bảo vệ biên giới phía bắc đất nước, nhưng Ottawa vẫn luôn bất an về vấn đề này.

Henry Kissinger nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử đối ngoại Mỹ
Henry Kissinger nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử đối ngoại Mỹ

VOV.VN - Henry Kissinger - cựu Ngoại trưởng, đồng thời là cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ - người trở thành một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã qua đời ở tuổi 100.

Henry Kissinger nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử đối ngoại Mỹ

Henry Kissinger nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử đối ngoại Mỹ

VOV.VN - Henry Kissinger - cựu Ngoại trưởng, đồng thời là cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ - người trở thành một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã qua đời ở tuổi 100.