Hòa bình Afghanistan: Chờ chính sách của Tổng thống Mỹ và hành động của Taliban
VOV.VN - Hai ngày tới (17-18/2), Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương sẽ nhóm họp để bàn về nhiều vấn đề, trong đó ưu tiên thảo luận tiến trình hòa bình Afghanistan. Hiện tiến trình này vẫn đang phải chờ đợi vào những quyết sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden và hành động thực tế của lực lượng Taliban.
Trước thềm hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm qua, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết, liên minh này sẽ duy trì binh sĩ tại Afghanistan đến “một thời điểm thích hợp”, dù không nước thành viên nào muốn kéo dài. Cũng theo ông, lực lượng Taliban ở Afghanistan cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình đã ký vào tháng 2/2020 với Mỹ.
“Taliban phải giảm bạo lực, thiện chí đàm phán và thực hiện đúng cam kết là ngừng hợp tác với các nhóm khủng bố quốc tế. Mục tiêu chung của chúng tôi rất rõ ràng: Afghanistan không bao giờ trở thành thiên đường cho những kẻ khủng bố tấn công vào quê hương của chúng tôi. Vì vậy, sự hiện diện của chúng tôi là dựa trên điều kiện thực tế. Mặc dù không đồng minh nào muốn ở lại Afghanistan lâu hơn mức cần thiết, nhưng chúng tôi sẽ không rời đi trước thời điểm thích hợp”.
Theo giới truyền thông, hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thành viên NATO trong 2 ngày tới sẽ ưu tiên thảo luận về tương lai của phái bộ hỗ trợ của NATO ở Afghanistan gồm 9.600 quân, trong đó có 2.500 binh sĩ Mỹ mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump cam kết sẽ rút khỏi quốc gia này vào tháng 5 tới.
Dù đã nhậm chức được hơn 3 tuần, song đến nay vẫn chưa rõ quyết sách của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong vấn đề Afghanistan. Tuy nhiên, thực tế, ông Biden đang đứng trước áp lực nhất định khi nhiều nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi ngừng thực hiện kế hoạch rút quân theo như cam kết của chính quyền tiền nhiệm với phía Taliban, bởi lẽ nhiều báo cáo cho rằng Taliban vẫn đang liên kết với các nhóm khủng bố, tấn công bạo lực tại Afghanistan - đi ngược lại với thỏa thuận.
Giới chuyên gia lo ngại, nếu việc rút quân của Mỹ chậm hơn cam kết, không theo như kế hoạch; Taliban sẽ có phản ứng cứng rắn, thậm chí là phá bỏ thỏa thuận hòa bình ký với Mỹ hồi tháng 2 năm ngoái. Mới đây, Taliban đã kêu gọi chính quyền mới của Mỹ nên thực hiện rút quân đúng như cam kết.
Người phát ngôn Văn phòng Chính trị của Taliban tại Qatar, Suhail Shahin cho biết: “Mỹ đã thỏa thuận với chúng tôi. Thỏa thuận này mất 4 năm mới có được và chúng tôi đã thực hiện cam kết. Nếu Mỹ có ý định xem xét lại thỏa thuận này, họ có thể làm điều đó; song họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu họ rời khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng kể từ khi thỏa thuận được ký, thì chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết của mình. Nếu họ không rời đi, chúng tôi cũng sẽ phải xem xét lại”.
Taliban cũng cáo buộc chính phủ Afghanistan và Mỹ đã tiến hành nhiều đợt tấn công vào lực lượng này, khiến họ phải phản kháng.
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện các bước đi rút quân theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, ngoài các báo cáo cho rằng Taliban vẫn liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda; các vụ tấn công bạo lực vẫn diễn ra tại quốc gia này khiến cho chính quyền mới Mỹ buộc phải xem xét lại; cộng thêm tiến trình hòa đàm nội bộ Afghanistan chưa đạt nhiều tiến triển để có thể đem lại hòa bình cho quốc gia Tây Nam Á này./.