Hòa đàm Afghanistan: Bước tiến mới, hướng tới hòa bình
VOV.VN - “Hòa bình đến với bạn” – câu chào của người Arab được cất lên khi cánh cửa của khán phòng đàm phán giữa các bên Afghanistan được mở ra.
Hôm nay (19/9), đúng tròn 1 tuần diễn ra cuộc đàm phán hòa bình lịch sử đầu tiên giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, hướng tới việc khép lại gần 20 năm chiến tranh và bạo lực tại quốc gia Tây Nam Á này. Hiện mọi thông tin phía sau cánh cửa đàm phán đang được 2 bên giữ kín và thế giới đang kỳ vọng rất nhiều vào vòng đàm phán này, kêu gọi các bên Afghanistan nên nắm bắt cơ hội lịch sử.
“Hòa bình đến với bạn” – câu chào của người Arab được cất lên khi cánh cửa của khán phòng đàm phán giữa các bên Afghanistan được mở ra. Những cái ôm và những tiếng cười vui sau đó đã phá tan bầu không khí tĩnh lặng, căng thẳng trong căn phòng – một khoảnh khắc được hãng truyền thông Aljazeera của Qatar gọi là “lịch sử”.
Đến đàm phán lần này, phái đoàn chính phủ Afghanistan do chính trị gia có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Afghanistan - Người đứng đầu hội đồng hòa bình, ông Abdullah Abdullah dẫn đầu. Điểm đáng chú ý nữa, trong phái đoàn chính phủ có 1 người phụ nữ - bà được xem là đại sứ cho quyền lợi và tương lai của tất cả những người phụ nữ Afghanistan.
Dù đã trải qua 1 tuần đàm phán, nhưng các thông tin về cuộc đàm phán rất ít được tiết lộ với báo giới. Theo ông Abdullah Abdullah – trưởng đoàn đàm phán chính phủ Afghanistan, hiện 1 lệnh ngừng bắn, giảm bạo lực đang được ưu tiên thảo luận; trong khi các vấn đề như thể chế nhà nước, sự phân chia quyền lực giữa các bên trong tiến trình hòa bình, hiến pháp và các quyền của người phụ nữ… đang là những “bài toán chưa có lời giải”.
“Một trong những vấn đề hàng đầu mà người dân quan tâm là phải giảm bạo lực một cách đáng kể, có thể cảm nhận được; đồng thời tiến tới một lệnh ngừng bắn nhân đạo, sau đó là một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết chương trình nghị sự. Tuy nhiên, phải nói rằng, đất nước sẽ không thể phát triển nếu chính phủ không tạo điều kiện để nam giới và nữ giới phát huy hết được vai trò của mình, từ chính trị cho đến các vấn đề xã hội”, ông Abdullah Abdullah cho biết.
Dù đây mới chỉ là cuộc đàm phán đầu tiên sau gần 20 năm chiến tranh và bạo lực giữa các bên Afghanistan, tuy nhiên thế giới đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào bước tiến mới này. Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres hôm qua (18/9) cho biết: “Ngày hôm nay, từ Afghanistan cho đến Sudan, chúng ta đang thấy những bước tiến triển mới đầy hy vọng hướng tới hòa bình”.
Trong khi, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đã có những cuộc đàm phán thuận lợi với nhóm chiến binh Taliban tại Afghanistan. “Chúng tôi đang có một số cuộc thảo luận tốt với Taliban như mọi người có thể thấy. Chúng tôi sẽ nhanh chóng giảm số binh sỹ tại Afghanistan xuống 4.000 người. Chúng tôi cũng sẽ rời khỏi Afghanistan hoàn toàn khi một số điều được thực hiện. Những điều mà Taliban sẽ phải hoàn thành. 19 năm là một khoảng thời gian dài”.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thừa nhận, Taliban rất cứng rắn và thông minh. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, lực lượng này cũng đã rất mệt mỏi khi suốt 19 năm qua phải chiến đấu. Đã đến lúc các bên tìm kiếm hòa bình.
Cũng trong ngày hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tiếp tục tìm kiếm các giải pháp xây dựng lòng tin và tham gia đàm phán hòa bình với tinh thần thiện chí cao.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định, Afghanistan chỉ có thể đạt được hòa bình bền vững thông qua một tiến trình hòa bình toàn diện và bao trùm do người Afghanistan dẫn dắt, hướng tới ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt xung đột thông qua giải pháp chính trị./.