Hội nghị EU-Balkan: Gian nan cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
VOV.VN - Các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ luôn ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu như Iran tôn trọng thỏa thuận này.
Sau các cuộc thảo luận tại thủ đô Sofia của Bulgaria, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/5 đã nhất trí về một cách tiếp cận chung của khối này để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Iran hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận.
EU gian nan trong việc cứu thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút lui. Ảnh: Hội đồng châu Âu
Tuy nhiên, với việc Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU, sứ mệnh cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran xem ra khó có thể hoàn thành.
Tại cuộc họp Thượng đỉnh EU-Balkan, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu khẳng định sẽ luôn ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu Iran tôn trọng thỏa thuận này. EU cũng nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện và tái áp đặt trừng phạt Iran.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump "quyết định thiếu suy nghĩ" khi rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện. Phát biểu với báo chí ở Sofia, ông Tusk nhấn mạnh, châu Âu phải duy trì một mặt trận thống nhất không chỉ trong hồ sơ Iran, mà cả trong các hồ sơ khác.
Đặc biệt, theo ông Tusk, với những quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ, mọi kỳ vọng của châu Âu đều tan biến và châu Âu cũng cần phải tính đến những lúc phải hành động một mình:
“Nhìn vào những quyết định mới đây nhất của Tổng thống Donald Trump, bất kỳ ai cũng có thể nghĩ, với những người bạn như thế, ai cần quan tâm đến kẻ thù? Nhưng thành thật mà nói, châu Âu nên biết ơn Tổng thống Trump, bởi nhờ có ông ấy, mọi ảo tưởng của chúng ta đều tan biến. Tuy nhiên, bất chấp tình hình hiện nay, châu Âu cần làm mọi việc trong khả năng của mình để bảo vệ mối liên kết xuyên Đại Tây Dương, song mặt khác chúng ta cũng nên chuẩn bị cho những tình huống mà chúng ta phải hành động một mình”.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker dự kiến sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo châu Âu những lựa chọn có thể nhằm bảo vệ các lợi ích của châu Âu tại Iran và khôi phục hợp tác với nước này.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Một trong số những đề xuất này là bảo vệ các thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp châu Âu và Iran chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, một nhiệm vụ chưa bao giờ được xem là dễ dàng và giờ càng trở nên phức tạp hơn. Các quốc thành viên cũng phải thuyết phục Ngân hàng đầu tư châu Âu cho phép đầu tư tại Iran.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker nhấn mạnh: "Tôi muốn chúng ta thống nhất một lập trường chung về mối quan hệ của chúng ta với Mỹ trong vấn đề Iran. Mặc dù các công cụ của chúng ta trong vấn đề này còn hạn chế nhưng chúng ta sẽ khai thác triệt để công cụ của chúng ta hiện có. Tôi hy vọng Hội đồng bảo an sẽ không áp đặt bất cứ các biện pháp trừng phạt nào chống Iran trong tương lai gần”.
Rõ ràng, Châu Âu vẫn rất muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và không hề có ý định sẽ theo bước Mỹ từ bỏ văn kiện này. Tuy nhiên, đã không có quyết định quan trọng nào được đưa ra trong ngày đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và các nước Balkan, dù chương trình nghị sự chủ yếu của Hội nghị xoay quanh quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Theo giới phân tích, cái khó của EU lúc này là vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu chống lại các chế tài của Mỹ. Bởi lẽ, ngay cả khi EU muốn duy trì thỏa thuận, thì hầu hết các công ty châu Âu đều muốn tự bảo vệ mình, nếu không sẽ phải cắt đứt mọi mối liên hệ với Mỹ, một điều không ai muốn. Không những thế, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất mà EU không thể đánh đổi. Xem ra, sứ mệnh cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran mà các bên đặt ra, trong đó có EU, vẫn còn rất nhiều khó khăn./.
Mỹ cân não với Iran trong ván bài hạt nhân-dầu mỏ
Mỹ trừng phạt, Iran viện tới cứu tinh Nga và Trung Quốc