Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Đỉnh cao lịch sử ngoại giao
VOV.VN - Không chỉ đánh dấu "sự thay đổi cơ bản" trong quan hệ Mỹ-Triều, Hội nghị còn giúp đặt nền móng cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Vượt qua muôn vàn rào cản và khó khăn, Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Không chỉ đánh dấu "sự thay đổi cơ bản" trong quan hệ thù địch giữa hai nước, thời khắc lịch sử khi hai Nhà lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau còn giúp đặt nền móng để viết nên trang sử mới vì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái). Ảnh: Vox. |
Ngày 12/6/2018 trở thành một ngày đáng nhớ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng nở nụ cười tươi, bắt tay nồng ấm trong lần đầu gặp mặt, rồi sau đó cùng nhau ký kết văn kiện.
Gác lại quá khứ đối đầu, hướng tới đối thoại trên cơ sở bình đẳng để thế giới có thể chứng kiến một sự thay đổi lớn lao, quan điểm tích cực này dường như tạo thêm động lực để Mỹ-Triều Tiên khép lại cuộc xung đột hàng thập kỷ qua.
Tuyên bố chung được ký kết chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những quyết định sáng suốt cùng nỗ lực vượt qua mọi rào cản của mỗi bên vì lợi ích chung. Tổng thống Donald Trump hứa sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Người đứng đầu nước Mỹ còn tuyên bố Mỹ sẽ cho dừng các cuộc tập trận, ám chỉ các đợt diễn tập chung với quân đội Hàn Quốc – vốn cũng là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ và Triều Tiên.
Giải mã nguyên nhân Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công vang dội
Cả hai Nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ trực tiếp- nền tảng cơ bản để xây dựng các mối quan hệ hợp tác mới, cùng giải quyết những vấn đề còn tồn tại xoay quanh vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, để đạt được những kết quả ngoài mong đợi từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, không thể không kể đến các nỗ lực ngoại giao của các bên quan tâm tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như sự ổn định tại khu vực Đông Bắc Á.
Chẳng vậy mà cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều ca ngợi cuộc gặp ngày 12/6 tại Singapore là “đỉnh cao ngoại giao”. Phát biểu sau cuộc gặp lịch sử ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không quên cảm ơn các Nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc về những nỗ lực ngoại giao đóng góp cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thời gian qua:
“Tôi muốn cảm ơn họ vì những nỗ lực để giúp chúng tôi có được ngày lịch sử này. Quan trọng hơn, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì bước đi mạnh dạn đầu tiên hướng tới tương lai tươi sáng của người dân Triều Tiên. Cuộc gặp chưa từng có giữa chúng tôi, cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một Nhà lãnh đạo của Triều Tiên, chứng minh rằng sự thay đổi thực sự là có thể. Tôi và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp trực tiếp, trung thực và hiệu quả”.
Mỹ dự định sẽ thông báo với các đồng minh và các đối tác của mình về kết quả cuộc gặp quan trọng này. Đây sẽ mở đầu cho các nỗ lực ngoại giao tiếp theo, tạo động lực cho việc xúc tiến nhiều cuộc gặp quan trọng khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến có cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ lên đường thăm Bình Nhưỡng, trong khi cuộc gặp giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe cũng đang được xem xét.
Dẫu vậy, chỉ qua một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì vẫn còn quá sớm để nói trước về tương lai mối quan hệ Mỹ- Triều nói riêng cũng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên nói chung thời gian tới.
Bởi đây mới chỉ là mở màn cho một quá trình còn đầy cam go và thử thách. Chưa rõ cuộc gặp này có thể đi bao xa trong việc xóa bỏ những quan điểm khác biệt giữa các bên vốn được xem là “thâm căn cố đế”. Tương lai phụ thuộc rất nhiều vào những hành động cụ thể của mỗi bên sau những cam kết đã được đưa ra.
Như Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nói, con đường để tới được Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vốn không hề dễ dàng và rằng có những thời điểm những định kiến cũ và thực tế sai lầm gây trở ngại cho cả Mỹ và Triều Tiên, chính vì vậy theo một số Nhà quan sát, cả hai bên càng không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội hòa giải nào.
Và mặc dù vẫn còn lạc quan thận trọng, nhưng những thành công bước đầu thu được từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên vẫn được ghi nhận, bởi lẽ chí ít nó đã thổi luồng sinh lực mới cho bán đảo Triều Tiên thời gian qua vốn không ít lần nổi sóng, thay đổi cảnh quan an ninh trên bán đảo này và là động lực để cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ, theo đuổi các nỗ lực ngoại giao vì một bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân./.
Báo chí quốc tế nói gì về cái bắt tay lịch sử của 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên?