Hối thúc G-8 gia tăng viện trợ cho các nước đang phát triển

Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển chung tay, chung sức thúc đẩy cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến các nước đang phát triển.

>>G8 đạt được thoả thuận về các biện pháp chống suy thoái kinh tế
Lãnh đạo 5 nước đang phát triển gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico ngày 8/7 đã có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh 8 nước công nghiệp phát triển (G8) đang diễn ra tại L' Aquila (Italy). Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc thay mặt chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tham dự cuộc gặp và nêu quan điểm của Trung Quốc trước các vấn đề nóng hiện nay trên thế giới.

Ông Đới Bỉnh Quốc cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang lan rộng, ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế trên thế giới. Trung Quốc  kêu gọi 5 nước đang phát triển - nhóm họp tại L' Aquila lần này - chung tay, chung sức thúc đẩy cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến các nước đang phát triển, giảm tối đa tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển.

Ông Đới Bỉnh Quốc thay mặt phía Trung Quốc nêu kiến nghị 4 điểm với các nước đang phát triển. Một là, thúc đẩy cộng đồng quốc tế tôn trọng quyền tự chủ phát triển kinh tế của các nước đang phát triển. Hai là, thúc đẩy cải cách hệ thống kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao tính đại diện, quyền phát ngôn và quyền hoạch định chính sách của các nước đang phát triển trong các cơ quan quốc tế. Ba là, thúc đẩy các nước phát triển thực hiện cam kết với các nước đang phát triển trong các vấn đề: gia tăng viện trợ, giảm xóa nợ, mở cửa thị trường;  Bốn là, thúc đẩy các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và khu vực thực thi các biện pháp viện trợ mới, giúp các nước đang phát triển giữ ổn định tài chính, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

** G-8 chia rẽ về biện pháp thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Ngay trong ngày họp đầu tiên tại L' Aquila, Italy, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã có những chia rẽ xung quanh vấn đề liệu có cần tăng cường chi tiêu công để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ hay không.

Thủ tướng Canada Stephen Harper đã bác bỏ sự cần thiết về một đợt chi tiêu mới nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu như đề xuất của Thủ tướng Anh Gordon Brown. Theo ông Harper, ưu tiên trước hết vào thời điểm này là các nước cần thực hiện các cam kết đã đưa ra trước đây.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ ủng hộ nhà lãnh đạo Canada về quan điểm thận trọng trong việc tăng cường chi tiêu này, trong khi lãnh đạo các nước Anh và Mỹ lại phát đi tín hiệu về sự cần thiết phải đẩy mạnh chi tiêu, cho rằng tình trạng thất nghiệp vẫn đang gia tăng tại các nước này và hiện vẫn còn quá sớm để rút lại các gói kích thích kinh tế.

Lãnh đạo các nước G-8 cũng nhận định rằng nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu ổn định, song vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều "nguy cơ đáng kể".

Đề cập vấn đề đưa kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng thế giới rất cần sự ủng hộ vững chắc từ chính sách của các chính phủ. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo các nền kinh tế lớn không nên tự mãn với các chính sách can thiệp chưa từng có tiền lệ, coi đó "có thể là phép màu" làm phục hồi kinh tế.

Liên quan đến tình hình giá dầu thế giới tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế thế giới, các nhà lãnh đạo G-8 đã nhất trí rằng giá dầu thế giới nên duy trì ở mức 70-80 USD/thùng là hợp lý.

Trước đó, Thủ tướng Anh Brown và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố muốn nhân hội nghị này để ổn định giá dầu sau khi chứng kiến giá dầu thô dao động từ 32-147 USD/thùng trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, theo bà Natalya Timakova, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Medvedev lại không ủng hộ việc điều chỉnh giá dầu vì cho rằng các mức giá điều chỉnh này khó xảy ra trên thực tế.

Một trong những quyết định quan trọng nhất của ngày họp đầu tiên là các nước đã nhất trí với mục tiêu cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2050 so với mức của năm 1990.

Theo Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, mức cắt giảm được nhất trí này thậm chí còn cao hơn so với mong đợi, chủ yếu là nhờ sự thay đổi lập trường của chính quyền mới ở Mỹ. Tuy nhiên, một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ lại chưa ủng hộ kế hoạch đầy tham vọng này vì cho rằng còn quá ít các biện pháp cụ thể để thực hiện.

Cũng trong ngày họp đầu tiên các nước G-8 đã thông qua một số tuyên bố quan trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, vấn đề tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran, không phổ biến vũ khí và chống khủng bố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên