Hungary có nguy cơ bị cô lập khi không ủng hộ gói trừng phạt mới nhất của EU
VOV.VN - Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Brussels luôn tồn tại những bất đồng không thể giải quyết trong ngắn hạn. Điều này đã khiến Hungary trở nên bị cô lập trong EU.
Mối quan hệ này càng trở nên căng thẳng hơn khi Chính phủ Hungary đang là thành viên EU lên tiếng phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga.
Mặc dù chi tiết vẫn đang được đàm phán, nhưng hiện đã có sự đồng thuận rộng rãi giữa các quốc gia thành viên EU trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, Hungary đang là thành viên hiếm hoi lên tiếng phản đối lệnh cấm vận và có ý định phủ quyết các lệnh trừng phạt này. Trong nhiều tuyên bố gần đây, các đại diện của Hungary đều lên tiếng khẳng định lập trường của mình về vấn đề này.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto hôm qua cho biết, Hungary không thể ủng hộ gói trừng phạt mới nhất của Ủy ban châu Âu. Theo Bộ trưởng Szijjarto, các bên có thể thích nghi được với các biện pháp này nhưng không phải là bây giờ khi đang có một cuộc chiến đang xảy ra trong khu vực và khoảng thời gian chuyển tiếp là quá ngắn đối với Hungary.
Trước đó trong chuyến thăm tới Kazakhstan hôm 3/5, Bộ trưởng Szijjarto cũng đã tuyên bố chính phủ Hungary sẽ không đồng ý với bất kỳ lệnh trừng phạt nào khiến việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga sang Hungary bị ảnh hưởng bởi điều này sẽ khiến an ninh năng lượng của Hungary gặp rủi ro. Nguyên nhân khiến Chính phủ Hungary phủ quyết các lệnh trừng phạt dầu mỏ được cho là do nước này phải phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga.
Theo báo cáo, các lô hàng của Nga đáp ứng khoảng 58% nhu cầu dầu hàng năm của Hungary. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ phụ thuộc, Hungary vẫn chưa phải là quốc gia EU có lượng nhập khẩu từ Nga cao nhất khi ở Slovakia, nhu cầu dầu của Nga chiếm tới 96%, Litva và Phần Lan nhận khoảng 80%. Điều đáng nói là các nước này lại không phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ của EU. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, quyết định của Hungary còn bao gồm cả những lý do khác.
Tuy nhiên, động thái này được xem là một canh bạc với Brussel của Hungary. Bởi Ủy ban châu Âu vẫn chưa giải ngân hàng tỷ đô la dành cho Hungary từ Quỹ khôi phục Covid-19 vì lo ngại tham nhũng. Vào tuần trước, Ủy ban cũng đã khởi kiện Hungary theo cơ chế pháp quyền mới.
Một điều đáng lo ngại đối với Hungary đó là lập trường ủng hộ Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ucraina có thể khiến nước này trở nên bị cô lập hơn trong EU và trên toàn cầu. Cho đến nay, Hungary đang là thành viên EU duy nhất chưa lên án rõ ràng cuộc xung đột Nga-Ucraina. Trên danh nghĩa, Thủ tướng Orban đã chỉ trích cuộc chiến nhưng không có một lời chỉ trích chính thức nào đối với Putin. Hungary cho đến nay cũng chỉ miễn cưỡng ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga và Chính phủ cũng từ chối cho phép vận chuyển vũ khí tới Ukraine qua lãnh thổ Hungary. Lập trường này cũng đã khiến tất cả các đồng minh cũ bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Slovenia đang quay lưng với Hungary./.