Hy Lạp tê liệt vì đình công
(VOV) - Nếu gói giải pháp thắt chặt kinh tế mới không được thông qua cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Các hoạt động tại thủ đô Athens của Hy Lạp gần như bị ngưng trệ do cuộc đại đình công phản đối gói kinh tế thắt lưng buộc bụng mới, đã được trình lên Quốc hội Hy Lạp ngày 5/11. Chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras cảnh báo, Hy Lạp sẽ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu nếu gói thắt lưng buộc bụng này không được thông qua.
Biểu ngữ kêu gọi cuộc đại đình công trong 2 ngày 6, 7/11 để phản đối gói thắt chặt kinh tế mới của Chính phủ Hy Lạp (Ảnh: AFP) |
Nghiệp đoàn Hy Lạp đã kêu gọi cuộc đại đình công trên cả nước trong tuần này. Tại thủ đô Athens, các dịch vụ giao thông công cộng đã bị ngưng trệ do đình công. Hoạt động của các bệnh viện, bến tàu tại Athens cũng bị ảnh hưởng. Nhân viên các ga tàu điện và các nhà báo tại thủ đô Athens đã bắt đầu đình công từ ngày 5/11. Nghiệp đoàn Hy Lạp cảnh báo, đây mới chỉ là sự khởi đầu của làn sóng phản đối gói thắt chặt kinh tế mới của chính phủ.
Thủ tướng Hy Lạp Samaras cảnh báo, nước này có thể bị "trục xuất" khỏi Khu vực đồng euro nếu Quốc hội không thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới vào ngày 7/11.
Thủ tướng Samaras nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội với dự luật về cắt giảm chi tiêu mới lên tới 18 tỷ euro và một số cải cách khác có ý nghĩa sống còn nhằm loại bỏ dứt điểm nguy cơ vỡ nợ và buộc Hy Lạp phải quay lại với đồng Drachma. Gói thắt lưng buộc bụng mới này bao gồm các biện pháp cắt giảm lương, lương hưu và tăng thuế. Bên cạnh đó là những sửa đổi luật lao động cho phép các doanh nghiệp có thể dễ dàng thuê lao động và sa thải nhân viên.
Chính phủ Hy Lạp khẳng định, Quốc hội phải nhất trí với gói thắt lưng buộc bụng mới nhằm đổi lấy việc giải ngân phần cứu trợ 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Khoản tiền này là chiếc "phao cứu sinh" mà Hy Lạp phải nhận được vào giữa tháng 11 này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Tuy nhiên, với người dân Hy Lạp, họ đã chịu đựng quá nhiều khó khăn. Bốn năm suy thoái liên tiếp vừa qua đã cuốn đi 1/5 giá trị của nền kinh tế Hy Lạp, đẩy 1/4 dân số vào tình trạng thất nghiệp. Ông Panagiotous - một nhà báo Hy Lạp - bày tỏ quan điểm của mình: “Mọi thứ thay đổi quá đột ngột. Lương trước đây của bạn là 1.500 euro, trong khi hiện nay chỉ còn 800 euro và không có cả bảo hiểm. Chúng tôi đã phải làm việc rất vất vả tới 12-13 tiếng mỗi ngày, nhưng không có gì được cải thiện cả”.
Cũng có những ý kiến của người dân Hy Lạp kêu gọi sự đoàn kết cùng giải quyết khó khăn kinh tế đất nước: “Tình hình Hy Lạp thực sự rất khó khăn. Người dân Hy Lạp luôn sẵn sàng đình công hay biểu tình, nhưng đây không phải là giải pháp duy nhất. Chúng ta cần bình tĩnh và đoàn kết để giải quyết vấn đề”.
Trong khi đó, ông Stewart - chuyên gia của Cơ quan Quản lý đầu tư số 7 của Hy Lạp cho rằng: “Điều thực sự phải làm lúc này là thay đổi chính sách trong khu vực đồng euro. Theo đó, tăng cường sự vững chắc và thúc đẩy nền kinh tế trong khu vực này. Với Hy Lạp, đây là trường hợp “khó giải quyết”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có giải pháp điều trị cho tình hình khó khăn của quốc gia này. Tôi cho rằng, Hy Lạp bắt đầu tiến tới kế hoạch tăng trưởng. Kết quả dù chưa rõ nét nhưng với quan điểm của riêng mình, Tôi tin tưởng vào tương lai khởi sắc của quốc gia này”.
Trong bối cảnh sự phản đối của người dân ngày càng gia tăng thì ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền Hy Lạp cũng tồn tại một số bất đồng xung quanh điều kiện nhận cứu trợ. Đảng Dân chủ cánh tả (gồm 16 nghị sĩ) tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống đối với dự luật về cắt giảm chi tiêu và cải cách để phản đối những thay đổi về thị trường lao động, trong khi 5 nghị sĩ thuộc đảng Pasok có thể cũng không ủng hộ ông Samaras.
Những dự báo mới nhất cho thấy, tăng trưởng kinh tế Hy Lạp năm tới sẽ giảm mạnh so với dự báo trước đó, trong khi tỷ lệ nợ công sẽ lên đỉnh điểm là 192% GDP trong năm 2014./.