Indonesia đình chỉ hoạt động người cho phép máy bay QZ8501 cất cánh
VOV.VN - Bộ Giao thông Indonesia ngày 5/1 công bố những biện pháp cứng rắn nhằm vào những người cho phép máy bay QZ8501 cất cánh dù chưa được phép.
Theo AP, các biện pháp này bao gồm việc đình chỉ hoạt động của những người điều hành sân bay và các quan chức tại đài kiểm soát không lưu.
Ngoài ra, ông Djoko Murjatmodjo, một quan chức hàng không Indonesia, cho biết, việc cấp phép cho tất cả các hãng hàng không hoạt động tại nước này cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để tránh những vi phạm có thể xảy ra.
“Không ai biết được các hãng hàng không khác có mắc những lỗi tương tự hay không”, ông Murjatmodjo nói.
Ngày 31/12, Bộ Giao thông Indonesia cũng đã yêu cầu tất cả các sân bay phải cung cấp thông tin về thời tiết mới nhất cho phi công ngay khi máy bay chuẩn bị cất cánh, ông Murjatmodjo cho biết.
Theo ông Murjatmodjo, hiện các phi công làm việc tại Indonesia sẽ là người quyết định có nghiên cứu về điều kiện thời tiết trước khi bay hay không. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác, đơn vị điều hành các chuyến bay sẽ phải cung cấp thông tin này cho các phi công.
Cũng trong ngày 5/1, ông Murjatmodjo dự kiến sẽ có cuộc gặp Ủy ban Phòng chống Tham nhũng của Indonesia để xem xét việc điều tra hoạt động của hãng AirAsia bởi những nghi ngờ rằng hãng có thể đã hối lộ để che giấu hoạt động bất thường của mình.
Theo đó, sau khi máy bay của hãng AirAsia gặp nạn khi bay từ Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia đến Singapore, vào ngày 28/12 (Chủ nhật) khiến cả 162 hành khách và thành viên phi hành đoàn gặp nạn, các quan chức Indonesia đã công bố thông tin hãng AirAsia chỉ được bay tuyến này trong các ngày thứ 2, 3,5 và 7 và hãng đã tự ý đổi 3 ngày trong lịch trình bay này.
Trong khi đó, các quan chức Singapore thì khẳng định, máy bay của hãng AirAsia được phép bay như vậy trong ngày Chủ nhật.
Hiện Indonesia đã cấm mọi chuyến bay của AirAsia từ Surabaya đến Singapore trong quá trình hãng điều tra vụ tai nạn máy bay mang số hiệu QZ98501.
Giám đốc AirAsia Indonesia Sunu Widyatmoko ngày 5/1 cho biết, hãng sẽ hợp tác với Chính phủ Indonesia trong quá trình điều tra nhưng từ chối đưa ra bình luận về những cáo buộc liên quan đến giấy phép bay của hãng cho đến khi quá trình điều tra hoàn tất.
Việc vi phạm các quy định về hàng không khiến các thân nhân các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay mang số hiệu QZ8501 càng thêm quyết tâm khởi kiện hãng và buộc hãng phải bồi thường nhiều tiền, ông Alvin Lie, một chuyên gia về hàng không, nhận định.
Tuy nhiên, ông Lie cũng cho rằng, AirAsia không phải là đối tượng chịu trách nhiệm duy nhất trong vụ này.
“Chặng bay Surabaya-Singapore đã đi vào hoạt động từ tháng 10 năm nay và chính quyền Indonesia không hề biết về chuyện này, vậy sự giám sát của chính quyền ở đâu?”, ông Lie.
Cũng trong ngày 5/1, các thân nhân nạn nhân máy bay AirAsia sẽ được đưa đến khu vực máy bay bị rơi để nói lời tiễn biệt.
Tướng Moeldoko, tư lệnh quân đội Indonesia, cho biết: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để những thân nhân muốn có mặt tại hiện trường được nhìn tận mắt việc các nhân viên cứu hộ đối mặt với sóng to và thời tiết xấu để tìm kiếm những người thân của họ”.
“Chúng tôi đã chuẩn bị hai máy bay và một tàu chiến để đưa các thân nhân đến đó và thả hoa cho người thân của họ”, ông Moeldoko nói thêm.
Sau khi Indonesia nới lỏng nhiều quy định trong ngành hàng không trong những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hãng hàng không đã gia nhập thị trường này khiến cho việc đi lại tại quốc gia có dân số lớn thứ 4 trên thế giới này trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Tuy nhiên, những tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra tại Indonesia đã dấy lên những lo ngại về an toàn hàng không của nước này. Các chuyên gia cho rằng, việc máy bay không được bảo trì thường xuyên, và các phi công và các nhân viên điều hành bay không được đào tạo một cách đầy đủ là nguyên nhân của những tai nạn nói trên.
Hãng AirAsia bắt đầu đi vào hoạt động năm 2001 và nhanh chóng trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu trong khu vực. Trước khi máy bay mang số hiệu QZ8501 bị tai nạn, hãng chưa từng gặp sự cố nào nghiêm trọng và luôn được coi là chuẩn mực về an toàn và tính chuyên nghiệp./.