Indonesia dự kiến một cuộc “đại di chuyển” dịp lễ Ramadan
VOV.VN - Bộ Giao thông Vận tải Indonesia ước tính một cuộc “đại di chuyển” với số người đi lại tăng vọt sẽ diễn ra trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr năm nay của người Hồi giáo.
Năm nay, tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo tại Indonesia sẽ bắt đầu từ trung tuần tháng 3 cho tới trung tuần tháng 4. Người Hồi giáo Indonesia có truyền thống trở về quê hương để đón lễ Eid al-Fitr với gia đình, đánh dấu kết thúc tháng nhịn ăn Ramadan.
Bộ Giao thông Indonesia ước tính khoảng 137 triệu lượt người sẽ di chuyển trong dịp lễ Eid al-Fitr năm nay, tăng khoảng 6% so với dịp lễ năm ngoái. Số người đi lại cũng nhiều hơn so với dịp Giáng sinh và đón năm mới 2024 (khoảng hơn 107 triệu người). Phần lớn người dân sẽ di chuyển tới Trung Java (khoảng 26%), Đông Java (19%) và Tây Java (16%).
Để tránh tình trạng giao thông tắc nghẽn hàng giờ, nhất là tại các tuyến đường thu phí, cơ quan chức năng Indonesia đã khuyên công chúng không nên đồng loạt trở về quê hoặc quay lại thành phố vào đúng thời gian cao điểm. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu người dân hạn chế sử dụng xe máy để đảm bảo an toàn. Theo Hiệp hội Vận tải Indonesia, năm 2023 đã xảy ra hơn 116.000 vụ tai nạn giao thông ở Indonesia, trong đó 77% liên quan xe máy.
Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đang chuẩn bị “Chương trình Vận chuyển miễn phí” giúp người dân trở về nhà an toàn, thuận tiện. Theo đó, hơn 700 xe buýt được điều động, sẵn sàng phục vụ miễn phí hơn 30.000 lượt khách, cùng với 30 xe tải chuyên chở hàng nghìn xe máy. Tổng cục Đường sắt Indonesia cũng đưa ra chương trình vận chuyển miễn phí hơn 28.000 hành khách và hơn 12.000 xe máy trên nhiều chuyến tàu.
Cùng với một cuộc “đại di chuyển” sắp diễn ra, người dân Indonesia đang nô nức mua sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm trước tháng lễ Ramadan. Theo một khảo sát do Bộ Thương mại Indonesia tiến hành, nhu cầu gạo tại Indonesia dự kiến tăng hơn 45% trong tháng Ramadan và lễ Eid al-Fitr. Chính phủ Indonesia đưa ra một số biện pháp đảm bảo cung ứng, bình ổn giá gạo như: gia tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo; hỗ trợ gạo miễn phí cho người nghèo; phân phối gạo tới các cửa hàng bán lẻ hiện đại, các siêu thị và chợ truyền thống…